VNTB – Trùng tu di tích kiểu “mì ăn liền”

Thạch Thảo (VNTB) New York Times đăng tải một bài viết cảnh báo về sự nguy hiểm trong bảo tồn di tích cố đô Huế, nó không phải là thời tiết, chiến tranh… mà là sự bùng nổ kinh tế.
 
Bài viết cho rằng, những “nhà vận động bảo tồn đang đấu tranh để đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước, những nhà kinh doanh và người dân ở đây thực hiện đúng việc bảo vệ di sản Huế.”

Bởi đường cao tốc, khu du lịch nghỉ dưỡng, tòa cao ốc có nguy cơ phá vỡ cảnh quang lăng tự, và nội thành Huế.

Tuy nhiên, bài báo không cho biết một nguy hại đe dọa cố đô Huế khác nghiêm trọng hơn, chính là việc hiện đại hóa trong công tác bảo tồn, một cách bảo tồn theo phương cách “mì ăn liền” bằng cách đập bỏ và xây mới, thay mới với bê-tông cốt thép, gạch, và sơn công nghiệp.

Miếu Long Thuyền được trùng tu bằng xây mới, thay đổi cấu trúc so với trước khi tiến hành. Ảnh: Thạch Thảo
Một công trình trùng tu mang tên Miếu Long Thuyền nằm trong không gian Kì Đài – Pu Văn Lâu – Nghinh Lương Đình, trước mặt nam Kinh Thành Huế trị giá 1,4 tỉ đồng. Nhưng sau khi trùng tu thì chỉ thấy nó mang ý nghĩa “tôn tạo cảnh quan khu vực” hơn là “bảo tồn di tích”, bởi nó mới mẻ, và những họa tiết trang trí ở chóp đã bị thay đổi so với nguyên trạng trước đó.

Theo Điều 34 của Luật Di sản quy định: “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.”

Nhiều công trình khác được tôn tạo mất đi yếu tố nguyên gốc của di tích như vụ thành nhà Mạc, một di tích hơn 450 năm tuổi bây giờ là cái lò gạch 1 tuổi với việc gọt bỏ rêu phong, phát quang cây đang bao quanh hai cái cổng cũ của thành Tuyên Quang, đắp thành bằng gạch mới và bê-tông sắt thép.

Thành cổ Tuyên Quang sau trùng tu trở thành cái… lò gạch với xi-măng và gạch mới. Ảnh: Thạch Thảo
Chùa Trăm gian ở huyện Chương Mỹ – Hà Nội cũng cùng một kịch bản như thế, di tích có từ thời Lý Cao Tông (1185) đã được thay áo mới bằng cách xi măng hóa bàn thờ, ốp gạch công nghiệp với màu nhiều màu sắc, xây mới dãy hành lang, thập bát La Hán đành thúc thủ để hậu sinh phết sơn Nippon, đá tảng xanh chân cột, đá gạch cổ viền quanh di tích, các cấu kiện gỗ, ngói, rui mè…, tất cả đều bị đập phá bằng búa tạ. Và ngôi chùa với nét rêu phong cổ kính người xưa để lại đã bị… xóa sổ.
Chùa Trăm gian một di tích có từ thời vua Lý Cao Tông (1185) được làm mới bằng cách đập phá thay mới. Ảnh: Thạch Thảo
Thánh địa Mỹ Sơn cũng không thoát khỏi số phận trùng tu xây mới nêu trên, khi xi măng, gạch và xóa bỏ rêu phong khiến cho những ngọn tháp trở nên như mới, chưa kể tại khu di tích này đã xảy ra việc, xây bờ kè suối Khe Thẻ bằng bê-tông nằm trong quần thể di tích Mỹ Sơn, làm xâm hại nguyên trạng của khu di tích này.
Bờ kè sông cổ bằng bê-tông cốt thép, nằm trong khu thánh địa Mỹ Sơn từng bị lên án sau đó đã dở bỏ. Ảnh: Thạch Thảo
Chưa kể cách sao chép không gian kiến trúc, hội họa từ di tích này sang di tích kia nhằm phục vụ “trùng tu di tích”, như cách áp kiến trúc cổng chùa Láng vào thành cổng đền Voi Phục, một trong “tứ trấn Thăng Long”, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072).

Như vậy, không chỉ cố đô Huế được đặt trong sự nguy hiểm, mà hàng loạt di tích lịch sử của Việt Nam cũng gặp hiểm nguy, không phải bởi thời tiết, chiến tranh, mà do sự trùng tu – tôn tạo tiền tỉ kiểu “phá đi, xây mới”.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)