VNTB – Trước Hội nghị TW 11: Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa được ‘tăng quyền’

Phạm Chí Dũng (VNTB) – Thời gian đã sớm “nuốt” hết quý 1 và chỉ còn không bao lâu nữa, Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra, thế nhưng thủ tướng đương nhiệm vẫn chưa được “tăng quyền”.

Cuộc họp mới nhất ngày 9/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn đến một sơ kết mà không thể làm cho phía Chính phủ hài lòng: với dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), “nhìn chung các ý kiến không đồng tình việc bổ sung nội dung mới về thẩm quyền của Thủ tướng”.

Hiện trạng đáng lo lắng hơn là “Dự thảo luật hiện cũng không thể hiện 4 thẩm quyền mới theo đề xuất của Chính phủ”.

Cần nhắc lại, vào tháng 11/2014, Bộ Nội vụ bất ngờ đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản dự thảo “dự luật tăng quyền cho thủ tướng”, trong đó có 4 quyền năng đặc biệt mới mẻ liên quan đến công đoạn “chốt” nhân sự.

Tuy nhiên sau đó, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – đã trình ra Báo cáo thẩm tra dự án luật và có vẻ được Quốc hội tán thành. Với tinh thần “đồng nguyên quốc hội” như thế, cho dù vai trò của thủ tướng dù đang được nâng cao về hình ảnh sau kết quả thắng lợi lớn tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, nhưng vẫn sẽ không được cải thiện bao nhiêu về quyền “sắp xếp nhân sự”, đặc biệt là nhân sự các bộ trưởng và phó thủ tướng. Mặt khác, thủ tướng cũng không được quyền chỉ đạo trực tiếp Bộ quốc phòng liên quan đến những nhiệm vụ đặc biệt của quốc gia.

Cũng cần nhắc lại một chi tiết đáng chú ý trong cuộc họp tháng 11/2014: khi Bộ trưởng nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị cân nhắc giữ các thẩm quyền được đề xuất của Thủ tướng Chính phủ vì trong thực tế một số địa phương làm quy trình thủ tục chậm, rất ảnh hưởng đến công việc điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cái gì Hiến pháp giao thì thể hiện rõ để thi hành, cái gì Hiến pháp không giao thì không ghi. Cấp trưởng có chuyện thì cử một cấp phó tạm quyền. Ví dụ Bộ trưởng đi thì điều động Thứ trưởng thay Bộ trưởng, Thủ tướng đi vắng có một Phó Thủ tướng thay quyền giải quyết công việc. Giờ thêm Thủ tướng Chính phủ “giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng” thì ai đề nghị?”.

Một quý sau khi Hội nghị trung ương 10 kết thúc với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có vẻ rất thuận lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giờ đây ông đang vấp phải một thách thức không nhỏ trên cung đường hoàn thành nốt những gì cần đạt được trước khi đại hội 12 của đảng diễn ra vào đằu năm 2016.


Tin liên quan: Đề xuất tăng thẩm quyền của Thủ tướng: Vẫn còn ý kiến khác nhau

Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cụ thể hóa những nội dung quy định trong Hiến pháp.

Theo Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay (9/4), nhìn chung các ý kiến không đồng tình việc bổ sung nội dung mới về thẩm quyền của Thủ tướng. Dự thảo luật hiện cũng không thể hiện 4 thẩm quyền mới theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, vẫn còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo đề xuất, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng để đảm bảo về vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thì cần quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp khuyết như trên là phù hợp tinh thần Hiến pháp.

Đồng thời, trên thực tế từ trước đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyết Chủ tịch UBND (vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, điều đồng công tác) mà HĐND chưa kịp bổ sung Chủ tịch UBND, Thủ tướng Chính phủ đã có quyêt định chỉ định quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, khi chức danh này bị khuyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên ủng hộ bổ sung quy định này.

Về thẩm quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng để thực hiện nhiệm vụ đã được thể hiện trong Hiến pháp và trong dự thảo luật, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có thẩm quyền “quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết và kịp thời” để bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Việc bổ sung quy định nêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cần giải quyết kịp thời, nhanh nhạy các tình huống bất thường thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong hoạt động quản lý điều hành”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần cân nhắc về quy định này và nếu bổ sung thì phải quy định cụ thể ngay trong luật: “Khi thi hành tổng động viên, trong trường hợp đó Thủ tướng được quyền gì, biện pháp nào, không thể nói chung chung”.

Còn về đề xuất giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó Chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ý kiến cho rằng không cần thiết.

“Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch đều có tiêu chí, tiêu chuẩn và sẽ được thể hiện ở Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Còn theo quy trình, cấp ủy, chính quyền, HĐND địa phương thực hiện, Ban cán sự Đảng của Chính phủ cũng có ý kiến rồi trình xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban Bí thư thì mới về làm quy trình”, Chủ tịch Quốc hội phân tích và cho rằng không bổ sung quy định này.

Theo Ngọc Thành/ VOV
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)