Hạo Nhiên
(VNTB) – “Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” phải gọi là “Đường lên đỉnh Australia”
Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Peter Hồng, nói tại hội nghị do Ban công tác phía Nam – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức, sáng 19/8, “chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” phải gọi là “Đường lên đỉnh Australia” bởi các thí sinh thắng giải đều chọn ở lại Australia làm việc sau khi du học.”(1)
Không phải hiện tượng chảy chất xám chỉ xảy ra trong các hoc sinh, sinh viên rất trẻ, sau khi được đầu tư hết cỡ, dành giải thưởng làm nở mày, nở mặt ông bà, cha mẹ, sang Úc, học và trốn luôn ở bên đó; người lớn, đảng viên đáng tin tưởng và là niềm tự hào của đảng, được cho đi du học bằng ngân sách quốc gia cũng trốn lại.
Đó là một phần trong câu chuyện ông Peter Hồng nói về tình trạng “Coi như chúng ta đóng hụi chết”. Du học sinh trốn ở lại quốc gia họ đến học. Ông Peter Hồng nói. Mỗi năm, nhà nước bỏ ra 1,4 tỷ USD cho khoảng 100.000 con em đi học ở nước ngoài nhưng lại không sử dụng được số trí thức này. “Coi như chúng ta đóng hụi chết. Không kêu gọi được các cháu về”, ông nói.
“Chúng ta bỏ tiền tỉ, mồ hôi xương máu của đất nước cho các cháu đi học nhưng bây giờ thành ra như vậy. Con em đi du học rồi không về nước làm việc. Đây là một sự đau xót”, ông Peter Hồng lo ngại không biết thế hệ kế tiếp sẽ ra sao.
Chưa biết thế hệ tiếp sẽ ra sao? nhưng thử xem thế hệ trước của các em, là anh, cha thậm chí có thể là ông của các em như thế nào. Những người đã trưởng thành trong chế độ xã hội chủ nghĩa, đã từng cống hiến nhiều cho chế độ, khi được cấp tiền từ ngân sách quốc gia, cũng đã trốn ở lại khi được cho ra ngoại quốc học!
Ông Peter Hồng cho biết, qua đề án 165 được Bộ Chính trị ban hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trong số 3.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 65% chọn ở lại nước ngoài, 27% làm nhà nước, số còn lại là bỏ việc. Những con số cho thấy sự ‘diễn biến, chuyển hóa tư tưởng’ trong giới trí thức, đảng viên cao cấp ở Việt Nam nhanh và đông như thế nào.
Ai? Tại sao? Quốc gia nào? Cái gì đã hấp dẫn họ trốn lại tại ngoại quốc? Quốc gia nào hấp dẫn họ trốn lại?
Về các em thi Olympic thì dễ trả lời, dễ thấy. Vì là học sinh giỏi, có thành tích, học trường chuyên, hy vọng của gia đình, nhà trường, họ được bảo bọc như trứng cưng “trong vòng tay” của đoàn, đảng, của cha mẹ, thầy cô, cả lãnh đạo địa phương. Cũng như nhiều thanh thiếu niên thông minh, đầy nhựa sống, háo hức bước vào cuộc, ham học hỏi, có nhiều suy nghĩ tiến bộ, vị tha, yêu tự do, bình đẳng dân chủ, sự thật, nên vì vậy, khi ra ngoại quốc, thoát khỏi vòng tay bảo hộ của đảng, đoàn, cha mẹ, thầy cô, lãnh đạo đảng, các em tiếp thu được sự thật ngay, từ gần nhất là trong các trường các em đang theo học, cho đến tính cách tự do phóng khoáng, con người thật của sinh viên quốc gia tư bản. Các em thoát ra khỏi cái tâm tư ý thức hệ đã phần nào ảnh hưởng đến chúng. Chúng bay bổng, rũ bỏ xã hội tù túng, độc tài, dối trá là điều hiển nhiên. Sự thật đã thay đổi các em.
Đề án 165(2) nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của đảng của nhà nước. Những người này đã trưởng thành, gắn bó với đảng và nhà nước suốt đời. Trong cách tuyển mộ đảng viên, chắc hẳn họ cũng phải là “con nhà nòi” để được leo cao, được đảng và chính phủ tin tưởng cho đi nước ngoài học tập bằng tiền thuế của dân nhằm “thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”(2)
Không tài liệu nào của chính phủ Việt Nam cho biết số người này đi du học ở những nước nào, nhưng có lẽ phải ở trong các quốc gia có số du học sinh Việt Nam đông nhất Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước tư bản.
Gần 2.000 người đang giữ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của đảng, nhà nước chọn ở lại những quốc gia tư bản, mà hầu hết, như đảng nói, từng là thù địch có tội ác với nhân dân.
Điều gì đã hấp dẫn họ ở lại nước ngoài?
Những người đang nắm kỷ cương trong đảng trong nhà nước, nhiều người là trung ương ủy viên, được gửi đi du học theo đề án 165 phải là những người đã được đào luyện theo kiểu “thép đã tôi thế đấy” trong đảng, đang là người quyền cao, chức trọng và cuộc sống được xếp hạng ngất ngưởng trong xã hội Việt Nam. Giả dụ họ là những người tốt, ít tham nhũng, hay không tham nhũng thì cuộc sống, địa vị của họ cũng cao hơn đại đa số người Việt đang định cư tại các quốc gia họ đến học. Các em đạt giải Olympic cũng có thể có cuộc sống như thế nếu họ trở về Việt Nam.
Cuộc sống của cán bộ cấp cao được đảng bảo đảm, lo cho từ sống đến chết. Chỉ nhìn vào hai nghĩa trang quốc gia Yên Trung, Mai Dịch được đầu tư hàng chục ngàn tỷ cho nơi an nghỉ cuối cùng của đảng viên này thì đủ biết họ đã được đảng lo cho hơn hẳn người dân. Vậy sao gần 2.000 tiến sĩ bỏ trốn lại ở nước ngoài. Gần 300 người bỏ việc và chỉ còn có hơn 800 người quay về nước?
Phải chăng khi đã sống, học tập ở nước tư bản một thời gian vài năm, tiếp thu một số kiến thức nào đó, đa số từng sống trong vòng kiềm tỏa trong nước, đã nhận ra chế độ tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền đáng sống hơn rất nhiều chế độ cộng sản mà họ đã ôm ấp nhiều năm. Họ từ bỏ dòng giống đỏ, quyền lực, quyền lợi, tương lai hơn người trong “xứ thiên đàng mù” (Dương Thu Hương) để chỉ cần sống như những người bình thường trong xứ tự do.
Thế hệ người lớn tuổi trí thức đảng viên, rồi đến thế hệ măng non leo đến đỉnh Olympia đều tuần tự trốn ra, trốn lại nước ngoài thì thế hệ tiếp theo họ cũng vậy thôi, nếu Việt Nam không sớm thay đổi để dân được có cuộc sống tự do, dân chủ và nhà nước biết tôn trọng nhân vị, nhân quyền.
_________________
Tham khảo
(1) https://tuoitre.vn/dau-xot-khi-thay-con-em-di-du-hoc-roi-khong-ve-viet-nam-lam-viec-20220819123423531.htm
(2)https://tcnn.vn/news/detail/6484/De_an_165_Nhung_ket_qua_giai_doan_I_va_dinh_huong_cho_giai_doan_tiep_theoall.html
(3) https://susta.vn/bai-viet-Gioi-thieu-tom-tt-de-an-165-165.html