Hiền Lương
(VNTB) – Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và nhiều nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung Ngày Tự do Báo chí Thế giới, kêu gọi không bắt bớ tùy tiện những người làm báo vì công việc của họ.
Tài khoản facebook Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hôm 3-5-2023 đã đăng tuyên bố của 16 thành viên Liên minh Tự do Báo chí tại Việt Nam nhân dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới:
“Hôm nay, nhân ngày Ngày Tự do Báo chí Thế giới, chúng tôi tôn vinh các nhà báo và những người làm công tác báo chí vì những đóng góp của họ đối với xã hội và phẩm giá con người.
Một nền báo chí độc lập và đa dạng, có trên mạng và ngoài đời, thiết yếu với một xã hội cởi mở và bao trùm. Báo chí đóng vai trò quan trọng nêu lên các vấn đề xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình, minh bạch, giúp công dân và chính phủ đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin.
Các nhà báo và những người làm công tác báo chí phải được tác nghiệp mà không phải lo sợ bạo lực, bị hăm dọa hoặc bị bắt hay giam giữ tùy tiện chỉ vì họ làm công việc của mình”.
Một tuần lễ trước đó, Đại sứ Shawn Steil của Canada tại Hà Nội cho biết:
“Để vinh danh Ngày Tự do Báo chí Thế giới vào ngày 3/5 sắp tới, tôi đã cùng các thành viên của Liên minh Tự do Báo chí tham quan Bảo tàng Báo chí ở Hà Nội. Một nền báo chí tự do và độc lập đã giúp đẩy nhanh quá trình kết thúc chiến tranh ở Việt Nam trước đây, và cho thấy cái giá thực sự của cuộc xâm lược Ukraine mà Nga đang thực hiện. Báo chí tự do bảo đảm quyền lực phải chịu trách nhiệm”.
Câu hỏi đặt ra là thể chế chính trị ở Việt Nam nhìn nhận như thế nào về cái gọi là “báo chí tự do và độc lập”?
Trước hết, nếu “tự do” được hiểu theo nghĩa không cấm đoán và chỉ tuân theo pháp luật thì ở Việt Nam không có tự do báo chí, vì tuy Hiến pháp của Việt Nam ở điều 25 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Cụm từ “pháp luật quy định” ở đây chính là phần giới hạn của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”.
Luật Báo chí, ở điều 4.1 quy định rất rõ là một tòa soạn chỉ được phép khi thỏa mãn các yêu cầu cụ thể như sau: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Ngay cả một tòa soạn đáp ứng được các yêu cầu trên thì họ cũng không được quyền tự chọn loại hình báo chí để kinh doanh.
Giới hạn về quyền này được thể hiện trong một văn bản ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo đó, đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước không còn cơ quan báo. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí. Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Như vậy bên cạnh chuyện lâu nay Việt Nam không có báo chí tư nhân, thì với diễn biến hiện tại cho thấy ngay cả “báo chí cách mạng” cũng bị thu hẹp, và xem ra chẳng cần phải ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ gì cả, ai cũng dễ dàng nhận ra là “tự do báo chí” là một giấc mơ đầy huyễn hoặc mà các tổ chức như Phóng viên Không biên giới (RSF) dường như đã ‘nhầm tưởng’ trong những lần xếp hạng về tự do báo chí của các quốc gia trên toàn cầu.
Hôm 3-5-2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178; Trung Quốc 179; và Triều Tiên 180.
Như vậy, Việt Nam, nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền “báo chí cách mạng”, bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm nay, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.
Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố ngày 3-5 hàng năm là “Ngày Tự do Báo chí Thế giới” để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
1 comment
Các nhà báo tự do như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thuỵ, Trương Duy Nhất…và còn rất nhiều, bị bắt bỏ tù hết rồi, chẳng có chế độ độc tài nào mà cho phép tự do báo chí cả. vì ngay câu hỏi đầu tiên do các nhà báo tự do đặt ra “xin lỗi, ai bầu cho các ông lên lãnh đạo vậy?” thì chế độ đã táo bón rồi, chẳng lẽ lại trả lời “là do súng đạn bầu chúng tôi lên!”