Nguyễn Nam
(VNTB) – Diễn biến về các tuyên bố ngoại giao cho thấy Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ mặt là một Chí Phèo thích rạch mặt ăn vạ. Có khác chăng là ở đây, Chí Phèo Bắc Kinh chưa bao giờ muốn làm người lương thiện như gã Chí của làng Vũ Đại ngày ấy bên xứ Việt.
Mỹ sẽ ‘hành động mạnh hơn’ sau khi bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc?
Bài báo trên Reuters hôm 14-7-2020, viết đại ý rằng phía Trung Quốc đã than vắn thở dài về oan ức khi Washington cứ khăng khăng cáo buộc Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng. “Mỹ không phải là quốc gia có liên quan trực tiếp tới các tranh chấp. Tuy nhiên, họ liên tục can thiệp vào vấn đề này” – Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu trong một tuyên bố được đăng trên trang web của họ và được Reuters trích dẫn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vu vạ rằng: “Dưới cái cớ duy trì sự ổn định, Mỹ đang phô trương sức mạnh, gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực” (1).
Trước đó, một bài báo trên AP cũng đăng trong ngày 14-7-2020 đã dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được phát trên website Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7, rằng, “Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông. Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng” (2).
Bài báo trên AP trích dẫn một số nhấn mạnh của Ngoại trưởng Mike Pompeo: “Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và trường tồn này với các đồng minh và đối tác, những người lâu nay đã ủng hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”’;
“Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách ‘đường chín đoạn’ ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế”;
“Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã rõ ràng suốt nhiều năm qua. Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy Dương Khiết Trì đã nói với các đồng cấp ASEAN rằng ‘Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế. Thế giới của kẻ săn mồi trong quan điểm của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ XXI” (…).
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về luật biển – đồng sáng lập tổ chức có tên “Dự án Đại Sự Ký Biển Đông”, nói rằng khác với những năm trước, khi những phát ngôn của Mỹ làm cho các nước ASEAN cảm thấy chưa đủ mạnh và Mỹ “không mặn mà”, nay ngoại trưởng Mỹ đưa ra thông điệp “mạnh mẽ” nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, đồng thời nhắm đến khích lệ các nước liên quan trong vùng “đứng lên bảo vệ lẽ phải”.
Ông Việt tiên liệu rằng tới đây, Mỹ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông nhưng không đến mức xung đột quân sự, điều mà ông cho là cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh vì cả hai hiểu rằng “có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ 3”.
Chờ đợi tiếng nói từ Việt Nam
Nhà báo Đặng Sơn Duân (thuộc Dự án Đại Sự Ký Biển Đông) đưa ra một số nhận định như sau về ‘lời qua – tiếng lại’ giữa Washington – Bắc Kinh:
“Mỹ vẫn khéo léo giữ quan điểm trung lập, tức Mỹ không xác định nước nào có chủ quyền đối với các thực thể có thể yêu sách chủ quyền ở khu vực. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa.
Phần khu vực phía bắc và khu vực quần đảo Hoàng Sa không được nhắc đến vì chưa có phán quyết cụ thể của tòa ở khu vực này. Nhiều khả năng chỉ có thể có được thông qua một phiên tòa do chính Việt Nam đệ đơn.
Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc tế, về phía lẽ phải, bao gồm luật Biển và phán quyết của tòa, qua đó đứng về phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.
Ngoài ý nghĩa về pháp lý và biểu tượng, chưa rõ lập trường minh định của Mỹ sẽ dẫn đến những hệ quả thực tế nào. Tuy nhiên, nó có thể mở đầu cho các hành động cứng rắn hơn của Mỹ trong việc bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc thông qua các phương diện quân sự, ngoại giao và pháp lý. Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc, sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.
Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.
Theo thông tin từ một số người trong giới quan sát, Mỹ đã thông báo trước cho các nước liên quan về lập trường của họ trước khi công bố vào sáng 14-7-2020. Có thể thấy rõ sự tức tối của Bắc Kinh khi chỉ vài tiếng sau khi lập trường được công bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã đưa ra tuyên bố phản đối…”. (tham khảo 3)
Trong một diễn biến liên quan, thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ký tên bộ trưởng Delfin Lorenzana phát ngày 14-7-2020 có tựa đề là Tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng về lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải trên Biển Đông, viết: “Chúng tôi nhất trí mạnh mẽ với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng nên có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), và tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc vốn là bên đã ký kết.
Sẽ là lợi ích tốt nhất cho sự ổn định của khu vực khi Trung Quốc chú ý tới lời kêu gọi của cộng đồng các quốc gia trong việc tuân theo luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế hiện hành” (4)
Vấn đề còn lại là chờ đợi các quyết sách được công khai ra sao từ phía Việt Nam, liên quan đến mệnh đề về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đặt trong trục giao thương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
______________
Chú thích:
(2) https://apnews.com/07dc9cff9d42047cfcf28799112eb59d
(3) https://www.state.gov/u-s-position-on-maritime-claims-in-the-south-china-sea/