Việt Nam Thời Báo

Đừng phá nát Đà Lạt

Từ Kế Tường

(VNTB) _ Cách thành phố Đà Lạt chỉ 20 phút đi xe máy, khu du lịch tại huyện Lạc Dương này khiến cư dân mạng “nổi máu”, đòi tẩy chay khi đưa vào hoạt động theo ‘concept’ ma mị, rùng rợn, khá “lạc quẻ” so với bản sắc phố núi Lâm Đồng. Đã thế, việc bê tông hoá những đồi thông – vốn là một điều gây bức xúc bấy lâu ở Đà Lạt – đã khiến dư luận thêm bùng nổ.

 

[ads_custom_box title=”” color_border=”#1b05e8″]

Lời tòa soạn: Từ Kế Tường là bút danh của nhà báo Võ Tấn Tước, cựu thư ký tòa soạn báo Công an TP.HCM. Trước năm 1975, Từ Kế Tường được biết đến là nhà văn của lứa tuổi ô mai, với các tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng của tuổi mới lớn, nằm trong tủ sách “Hoa Tím” của nhà xuất bản Tuổi Hoa.

Trong mắt nhà văn, nhà báo Từ Kế Tường, với cách làm du lịch không theo bất kỳ quy tắc như hiện nay, mạnh ai nấy làm, Đà Lạt đang dần biến thành một nồi lẩu thập cẩm để du khách ngồi bệt xuống và xì xụp giữa những ngọn đồi trơ trụi, trống tuếch. Thay vì nâng tầm du lịch bằng những điểm nhấn, tận dụng những điều đã làm nên một Đà Lạt mộng mơ, “người ta” vô tình biến Đà Lạt đang trở thành phiên bản “fake” của một nơi nào đó, cứ nhang nhác, giông giống nhưng chẳng phải là chính mình như đã từng nữa.

“Đừng phá nát Đà Lạt” là một bài viết mà tác giả Từ Kế Tường muốn đặt câu hỏi rằng: Bạn chọn Đà Lạt bình yên với những nếp nhà cũ cũ, hay một Đà Lạt tươi mới với những đồi thông trơ trọi, bê tông xâm lấn?

[/ads_custom_box]

Đà Lạt là thành phố mang vẻ đẹp có sẵn từ thiên nhiên. Đà Lạt đẹp không chỉ ở thời tiết, không chỉ ở cảnh quan mà có cả tình người và sự tử tế.

Tôi đã biết, gắn bó với thành phố tuyệt vời này từ những năm 1970, dạo ấy mỗi cuối tuần tôi đều tới đây bằng chuyến xe đò nhỏ của hãng Minh Trung. Đường Quốc lộ 20 với cuộc hành trình dài 300 cây số trong chiến tranh rất khó khăn. Có khi ngồi trên xe lúc 8 giờ dự tính tới Đà Lạt khoảng 3-4 giờ chiều để kịp tới trường Bùi Thị Xuân đón cô bạn gái học lớp 11 rồi cùng đi bộ về đầu đường Võ Tánh, ở cuối hồ Xuân Hương. Nhưng lúc trưa tới khu vực đèo Chuối thì đường bị đắp mô (*), xe phải dừng lại và đôi khi phải quay về lại Sài Gòn.

Nhưng khi đến được Đà Lạt, nhất là vào dịp Giáng Sinh thì như tới được “cõi thiên đường”. Những cô gái tóc dài xõa vai, má ửng hồng tự nhiên không son phấn, áo dài trắng khoác áo len đen, áo len xanh đậm, tay ôm cặp dọc qua những con phố sương mù, hoa anh đào tháng 12 rộ nở… Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời và thành phố này, bối cảnh Đà Lạt, những câu chuyện tình có thật đã đi vào tác phẩm của tôi. Rõ nhất là truyện dài “Mối tình như sương khói”.

Lúc đó Đà Lạt không tấp nập như bây giờ, kiến trúc Đà Lạt vẫn nhà phố ra nhà phố, biệt thự ra biệt thự. Nhà trên đồi cao với rừng thông và thảm hoa trước sân, dọc theo lối đi.

Tôi ấn tượng với màu hoa mimosa vàng rực, màu lá bạc ánh kim, cửa sổ phải ngước mắt nhìn lên để thấy lòng ấm áp từ ngọn đèn bóng treo lung linh hắt qua sương mù và trời lạnh cóng. Lúc ấy rừng thông chưa bị phá, những trái thông khô vẫn bay vèo trong gió, mưa lẫn trong sương mù, hay nắng lẫn trong mưa, tay lạnh cần nằm trong tay để chuyền hơi ấm.

Những thắng cảnh Đà Lạt nổi tiếng không chỉ vì đẹp, đậm sắc màu thiên nhiên mà còn vì rất trong lành, sạch. Và, người ta không khai thác du lịch vì những thắng cảnh như Thung lũng tình yêu, Thác Prenn, Thác Cam Ly, Hồ Than thở chính là những điểm du lịch để du khách tìm tới. Những thắng cảnh này chỉ cần gìn giữ cho tốt, chăm sóc với tấm lòng là đã thu được tiền.

Còn bây giờ người ta phải khai thác du lịch để mời gọi. Khai thác đến nỗi… du khách chán ngán vì du lịch Đà Lạt như con rắn tự ăn cái đuôi của mình, rồi chết. “Thắng cảnh” trước đây thành những nơi tệ hại… Thế là phải làm sao cho du lịch Đà Lạt mang tính khác biệt để mong kéo du khách. Nhưng khác biệt cũng có nhiều nghĩa, nhiều cách, nhiều tư duy, thẩm mỹ do cái đầu sáng suốt hay tối tăm. Buồn thay, Đà Lạt không có những cái đầu khai thác du lịch sáng suốt mà lại rất ư tối tăm.

Thế là có Khu du lịch… Núi Quỷ. Người ta mang những hình tượng ma quái vào khai thác du lịch, kiểu du lịch nhát ma này thì cũng là bắt chước nước ngoài, chẳng đâu xa, mấy nước láng giềng thôi, nhưng tư duy bắt chước lại rất thô thiển, hình tượng ma quỷ đến nỗi… ma quỷ cũng chê là xấu.

Nhưng vấn đề ở đây là những cái đầu tăm tối nên chỉ nghĩ được những gì tăm tối. Họ không thấy Đà Lạt chính là sự khác biệt từ thiên nhiên, từ cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, mà thiên nhiên Đà Lạt vốn đã tuyệt vời. Đã không biết tôn tạo, gìn giữ, chăm sóc những thắng cảnh không nơi nào có được như Đà Lạt, bản sắc của Đà Lạt, lại rước về hình ảnh phản cảm, ghê sợ không phải vì nó là ma quỷ mà nó thật sự là cái xấu, cái đáng ghê sợ đã lên đỉnh điểm.

Hãy tình táo lại đi những cái đầu tăm tối, lệch chuẩn văn hóa. Và xin hãy dừng lại, đừng phá nát Đà Lạt mà tôi đã từng yêu, từng gắn bó…

__________________

Chú thích:

(*) “Đắp mô” vào thời mà tác giả Từ Kế Tường kể, là lối vắn tắt của “Việt cộng đắp mô”, một câu nói thường xuyên trên môi miệng người miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Trong thời gian chiến tranh ở miền Nam, thường thấy Việt cộng phá cầu, đào đường, hay dễ nhất là đắp mô – có nghĩa đào đất từ dưới đường đổ lên đường để làm cản trở lưu thông, đường lộ vùng thôn quê.

Mỗi lần bị đắp mô thì người dân không dám đi ngang qua, cũng không ai dám bước lòn lách mà đi. Vì có lúc bên đắp mô còn gài mìn hoặc lựu đạn nơi các mép đất để sát hại những đơn vị đi phá “mô”. Muốn giải toả được “đắp mô” thì cũng phải mất cả buổi, vì ngay tại làng xóm không có phương tiện cơ giới, và những người nhân dân tự vệ hoặc nghĩa quân cũng không có máy rà mìn, mà phải đợi cho các đơn vị địa phương quân, hay trên quận xuống mới dẹp bỏ được.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đà Lạt: quay đầu đi, ông phó ơi…

Phan Thanh Hung

VNTB – “Thần đèn” sẽ “bưng” dinh tỉnh trưởng Đà Lạt đến nơi khác để bảo tồn?”

Phan Thanh Hung

VNTB – Đà Lạt: Chính phủ thua trọc phú?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.