Mai Lan
(VNTB) – Tự do học thuật giúp giải phóng con người. Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.
Tự do học thuật được quan niệm rộng rãi là một phần của quyền tự do ngôn luận, vốn đã được luật nhân quyền quốc tế và các Hiến pháp Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề này còn ít được quan tâm nghiên cứu và chú trọng đảm bảo trong thực tiễn ở Việt Nam.
Tự do học thuật giúp giải phóng con người. Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.
Ghi nhận ý kiến của giảng viên Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, thì công cuộc cải cách giáo dục đại học chỉ có thể thành công và các đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, khi quyền tự do học thuật được đảm bảo theo những chuẩn mực chung của những nơi đã sản sinh các đại học hàng đầu thế giới.
Giảng viên Bùi Tiến Đạt trong một tham luận về chủ đề tự do học thuật, đã nói rằng đây là một yêu cầu cần được đảm bảo mạnh mẽ nhất ở giáo dục đại học.
Theo giảng viên Bùi Tiến Đạt, các trường đại học, dù là công hay tư, chỉ có thể đạt được đẳng cấp quốc tế nếu được tự chủ thực sự. Mà một trong những yếu tố quan trọng của tự chủ đại học là sự tự chủ trong việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức.
“Đối với giảng viên, họ cần được đảm bảo bằng chế độ làm việc ổn định như hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, họ có thể nghiên cứu và thảo luận những vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi mà không bị phân biệt đối xử hay trù dập. Cơ chế này đảm bảo cho giảng viên sự chuyên tâm cũng như tự do giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ bị mất việc.
Ngoài ra, hệ thống thư viện, tài liệu, thiết bị nghiên cứu – giảng dạy phải tạo sự thuận tiện cho giảng viên, sinh viên, thậm chí cả công chúng, tiếp cận và sử dụng. Sinh viên được linh hoạt lựa chọn khóa học, môn học, giảng viên…” – ông Bùi Tiến Đạt, nói và xác nhận, cho đến nay, “tự do học thuật” là một thuật ngữ không phổ biến trong pháp luật Việt Nam.
Trong một khảo cứu của tác giả Nguyễn Xuân Sanh, thì tự do nghiên cứu và giảng dạy của người thầy tạo ra tự do học của trò.
“Theo tinh thần đại học, các sinh viên là những nhà tư tưởng độc lập, tự trách nhiệm và lắng nghe thầy mình một cách phê phán. Họ có tự do trong sự học. Ở môi trường đại học người trẻ sẽ được giáo dục, hoặc bằng sự chinh phục của một người thầy, hoặc bằng tự học, hoặc trong tương tác với một cộng đồng của những người cùng chí hướng chiến đấu và yêu thương nhau.
Cả thầy và trò, khi đã được tự do để truy tìm chân lý, họ sẽ mang theo sự đam mê và động lực, và dĩ nhiên là với một tinh thần thực sự hiếu tri. Một tinh thần như vậy được duy trì thường xuyên sẽ tạo ra các vĩ nhân cho nhân loại, những kẻ yêu thích sự “cô đơn”, yêu thích chân lý và khoa học sẽ tạo ra một nền “văn hoá” bậc cao với những lý thuyết, những phát minh, phát kiến, phục vụ và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội…” – tác giả Nguyễn Xuân Sanh ghi nhận.
Nhóm Đối thoại và giáo dục (VED) đưa ra đề xuất về “dân chủ nội bộ và tự do học thuật”.
Theo nhóm VED, uy tín của các trường đại học trong xã hội không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng tài chính và chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà còn phụ thuộc vào các định chế dân chủ nội bộ, cũng như khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật.
Bản thân chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng bị chi phối bởi khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Môi trường học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có lành mạnh hay không phụ thuộc vào tính minh bạch của các định chế dân chủ nội bộ.
Nhóm VED đề xuất trong các trường đại học, cao đẳng nên có các thiết chế như nghị trường giảng viên, nghị trường sinh viên, tạo không gian cho giảng viên – sinh viên biểu đạt ý kiến, quan điểm về các vấn đề giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo… của trường mình.
Đơn giản hơn, đại học là nơi dạy người ta suy nghĩ và sáng tạo, và nơi sản xuất chất xám cho đất nước. Đại học phải được tự trị, để có thể tự do dạy bất kỳ môn gì, dạy bất kỳ kiểu nào, nghiên cứu bất kỳ đề tài nào, tự do tuyển chọn và quản lý giáo chức và sinh viên, và độc lập tài chính, để tự do phát triển tri thức.