Thới Bình
(VNTB) – Cứ ngỡ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nên người dám đăng đàn ấy mới vướng vòng lao lý.
Ai mới thật sự là bị hại?
Bài báo có tên “Tự do không có nghĩa là gây hại” ký tên “Nguyên Lê” đăng ở chuyên mục “Thời luận” của báo Thanh Niên mới đây đưa ra lập luận (trích) nhân vụ án hình sự sơ thẩm về nhóm Báo Sạch:
“Trên một số kênh thông tin ngoài nước vừa xuất hiện lời đề nghị không xử lý hình sự một số người trong nước ta đang vi phạm pháp luật về tự do ngôn luận, đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật, làm tổn thương danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân; làm tổn thất quyền và lợi ích chính đáng của người thực thi công vụ. Lý lẽ của những luận điệu này nhằm “bảo vệ nhà báo công dân”, “đảm bảo tự do báo chí”…
(…) Dù nội dung thông tin có “sạch” hay “không sạch”, khi bài viết của bất kỳ “nhà báo công dân” nào có yếu tố gây hại, vi phạm luật pháp sở tại đều phải bị điều chỉnh, xử lý theo pháp luật.
Không thể chấp nhận được lý lẽ của sự biện hộ cho động cơ, ý đồ vi phạm khi sự gây hại đã diễn ra, ảnh hưởng tới danh dự của cá nhân, trách nhiệm công vụ và lợi ích của tổ chức cùng sự văn minh của cộng đồng” (dừng trích).
Đôi điều bàn luận với tư cách người viết bài này từng có thời gian làm việc ở hệ thống báo chí Nhà nước.
Trong một lần gặp gỡ cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại thành phố Long Xuyên, bên lề sự kiện khi ấy, lúc nói về việc nhà báo cần mạnh dạn cho các quyết định liên quan chuyện nhân sinh, ông Vũ Khoan kể, khi giao cho ông làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) để thực hiện chủ trương ngoại giao làm kinh tế, ông Nguyễn Cơ Thạch (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đã phải gọi điện cho ông Lữ Minh Châu, khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (tương đương Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hiện nay) để “chỉ thị”, cung cấp thông tin cho ông Khoan.
“Ông Thạch đứng ra hỗ trợ thì mới làm được chứ nếu không thì tôi có là vụ trưởng thì đến bảo vệ cũng gạt ra từ ngoài cổng chứ làm sao mà tiếp cận được Thống đốc Ngân hàng”, ông Khoan nói và nhấn mạnh, nhân tố quyết định nhất vẫn là người lãnh đạo, “không có lãnh đạo đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mọi chuyện chẳng đi đến đâu hết”.
Tương tự vậy, nếu không có những phóng viên mạnh dạn quyết đoán cùng với nhóm biên tập viên thật sự vì người dân để lên tiếng trước những chính sách ‘nay đúng – mai sai – ngày kia lại đúng’, thì đúng là đất nước này chỉ cần một tờ báo duy nhất dưới quyền của một nhiệm kỳ nào đó Tuyên giáo Đảng.
“Thông tin không đúng sự thật, làm tổn thương danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân; làm tổn thất quyền và lợi ích chính đáng của người thực thi công vụ” mà tác giả Nguyên Lê cho rằng cần phải răn đe bằng bản án chính trị hóa, nhiều khi đó chính là câu chuyện của ‘nay đúng – mai sai – ngày kia lại đúng’.
Đơn cử, vài tháng trước đây thôi, bất kỳ ai dám lên tiếng ngờ vực chuyện ăn chia của chính sách ‘thần tốc xét nghiệm’, sẽ được coi là ‘chống phá’ cuộc chiến chống dịch Covid của Đảng và Nhà nước.
Và hiện tại, tin chắc rằng sẽ bị bắt bỏ tù ngay tức khắc nếu ai dám đăng đàn công khai trên mạng xã hội, chỉ đích danh ông Nguyễn Xuân Phúc cùng ê-kíp ‘chống dịch’ Vũ Đức Đam – Nguyễn Thanh Long đã cố tình ‘trì hoãn’ việc mua vắc-xin phòng Covid ngay từ tháng 11-2020, lúc Đà Nẵng vừa trải qua đợt bùng dịch lần thứ 3, thì có lẽ sẽ không quá thảm thương như đợt dịch tiếp theo đó.
Dĩ nhiên khi bản án tuyên cho bỏ tù đó, nói như biện luận của tác giả Nguyên Lê, đó là đích đáng vì làm tổn thương danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân các ông Nguyễn Xuân Phúc – Vũ Đức Đam – Nguyễn Thanh Long.
Quan chức xứ Việt không đủ tự tin như chính khách xứ người?
Trong cụ thể trường hợp tù tội ở trên, tiếc thay lại cho thấy chính vì cứ ngỡ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nên người dám đăng đàn ấy mới vướng vòng lao lý.
Bởi nếu tôn trọng quyền tự do ngôn luận, như trong ví dụ liên quan chuyện mua kịp thời vắc-xin ‘hữu hiệu’ ở trên, thay vì dùng sức mạnh của bộ máy công an trị, thì nhóm các chính khách Nguyễn Xuân Phúc – Vũ Đức Đam – Nguyễn Thanh Long sẽ sử dụng quyền tố tụng công dân để tòa dân sự quyết định đúng – sai trong phê phán đó.
Dẫn chứng luôn để tránh bị quy chụp như bài báo “Tự do không có nghĩa là gây hại”. Đó là câu chuyện của Thủ tướng Lý Hiển Long đến tòa kiện blogger Singapore chia sẻ thông tin sai sự thật.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Tòa án Tối cao vào ngày 6-10-2020 để điều trần về cáo buộc phỉ báng đối với blogger, cố vấn tài chính Leong Sze Hian. Theo đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kiện ông Leong về một bài viết của trang tin tức The Coverage – Malaysia mà blogger này đã chia sẻ trên tài khoản Facebook của mình vào ngày 7-11-2018. Bài báo có cáo buộc rằng cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ký “thỏa thuận bí mật” với Thủ tướng Lý để đổi lấy sự giúp đỡ của các ngân hàng Singapore trong việc rửa tiền từ quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) của Malaysia.
Là nhà lãnh đạo chính trị được trả lương cao nhất thế giới và cũng là người đứng đầu chính phủ cam kết không khoan nhượng đối với tham nhũng, ông Lý Hiển Long, 68 tuổi, không lạ gì việc bảo vệ sự liêm chính của mình thông qua các kênh pháp lý.
Thủ tướng Lý được luật sư Davinder Singh từ văn phòng luật Davinder Singh Chambers bảo vệ quyền lợi trước tòa. Các luật sư của ông Lý nói rằng bài báo chứa những cáo buộc “sai sự thật và vô căn cứ” và buộc tội rằng ông Leong đã chia sẻ bài đăng “với mục đích ác ý” để gây thiệt hại cho thân chủ của họ. Ông Leong sau đó đã xóa bài đăng này.
Ông Leong cho biết “chỉ chia sẻ” bài báo mà không thêm bình luận hay thay đổi nội dung và bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã đăng bài viết một cách ác ý. Ông Leong được luật sư và chính trị gia đối lập Lim Tean bào chữa.
Trong phán quyết ngày 24-3-2021, thẩm phán Tòa án Tối cao Aedit Abdullah ra phán quyết ủng hộ Thủ tướng Lý Hiển Long và yêu cầu Leong bồi thường 133.000 đô la Singapore (99.000 USD).
Các nhân vật cấp cao trong Đảng Hành động Nhân dân – bao gồm cả người cha quá cố của ông Lý Hiển Long và là người sáng lập Singapore ngày nay là ông Lý Quang Diệu – trước đây cũng đã kiện phương tiện truyền thông nước ngoài, các đối thủ chính trị và các nhà bình luận trực tuyến vì tội phỉ báng.
Singapore duy trì kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông địa phương và ban hành luật tin tức giả vào năm 2019. Chính phủ cho biết họ không hạn chế những lời chỉ trích chính đáng, không hạn chế quyền tự do ngôn luận.