Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư pháp độc lập

Triệu Tử Long

(VNTB) – “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì không còn cách nào khác phải bảo đảm độc lập tư pháp…”

“Đã khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì không còn cách nào khác phải bảo đảm độc lập tư pháp. Hiện độc lập đang hiểu hơi khác nhau. Độc lập với các nhánh quyền lực khác, giữa các cấp xét xử độc lập, độc lập giữa các thẩm phán với nhau. Mọi hoạt động của tòa án đều phải là luật hết, không thể nghị định hay thông tư điều chỉnh được”.

Cựu thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hoàng Thế Liên có ý kiến như trên tại hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, do Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức hôm 11-11-2020.

Ông Lê Hồng Hạnh, cựu viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cũng cho rằng Nhà nước và xã hội phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của độc lập tư pháp. Các thể chế bảo đảm độc lập tư pháp không chỉ tác động đến ý thức xã hội mà còn là cơ sở pháp lý để thẩm phán thực thi tính độc lập của mình trong xét xử.

“Dự thảo báo cáo chính trị và một số văn kiện khác cần nhấn mạnh nội dung độc lập xét xử. Tòa án là một thiết chế không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền nhưng phải độc lập xét xử. Độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật phải là điểm nhấn của cải cách tư pháp”, ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần làm rõ hơn nội dung về cải cách tư pháp, xác định rõ đây là cải cách hệ thống tòa án theo hướng đảm bảo tính độc lập trong xét xử.

Cải cách tư pháp cần hướng tới các giải pháp đảm bảo tính độc lập của tòa án, trong đó chú trọng đến yêu cầu thượng tôn pháp luật trong quan hệ với tòa án, chống mọi sự can thiệp trái pháp luật tố tụng, trái Hiến pháp năm 2013.

Từ Sài Gòn, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đánh giá về những yêu cầu độc lập tư pháp, bằng một nhận xét mà nhiều ‘thầy cãi’ đồng ý rằng còn ‘xưa hơn Diễm’: “Báo cáo án – Thỉnh thị án – Chỉ đạo án, tên gọi tuy có khác nhau nhưng nội hàm và bản chất giống nhau”.

Lý thuyết trên giảng đường đại học luật ở tiết học của giáo sư Nguyễn Đăng Dung, các sinh viên được nhấn mạnh rằng Tòa án chỉ độc lập khi bản thân các thành viên của Tòa án, tức là thẩm phán, phải độc lập.

Tính độc lập của thẩm phán chính là một trong những yếu tố cơ bản của bộ máy tư pháp độc lập. Nếu các thẩm phán có thể bị chính phủ hành pháp hay các cơ quan chính quyền khác can thiệp, thay đổi nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào thì tính độc lập của Tòa án về mặt thể chế không thể đảm bảo.

Thẩm phán chỉ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình khi hoàn toàn được độc lập trong hoạt động chuyên môn. Chính hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán là nhằm mục đích bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, tránh mọi sự lợi dụng chức quyền.

Độc lập của thẩm phán phải được hiểu là độc lập trên mọi phương diện (độc lập cả bên trong và lẫn độc lập cả bên ngoài).

Độc lập bên trong của thẩm phán được hiểu là mọi phán quyết của thẩm phán Tòa án cấp dưới không chịu sự chỉ đạo của Tòa án cấp trên, không bị ảnh hưởng bởi các quan hệ nội bộ, quan hệ đồng nghiệp với nhau.

Các bản án, quyết định phán xét sai, sẽ được xem xét lại theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự, dân sự…

Khi xét xử, thẩm phán không bị phụ thuộc vào các quyết định hoặc kết luận của cơ quan điều tra (độc lập với hồ sơ vụ án), độc lập với kết luận của Viện Công tố (độc lập với cáo trạng và quyết định truy tố của Viện Công tố). Bản án của Tòa án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử căn cứ vào kết quả phiên tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xử lý vụ án và có quyền kết luận khác với ý kiến của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Vẫn cần phải nhắc lại rằng, độc lập không có nghĩa là chỉ khi xét xử, mà còn phải độc lập trong mọi tình huống liên quan đến vụ việc xét xử cụ thể mà thẩm phán thụ lý.

Thẩm phán không chỉ phải độc lập với bên trong mà còn phải độc lập với bên ngoài, độc lập với các cơ quan, kể cả các cơ quan quyền lực nhà nước, các tổ chức, cá nhân, đương sự, người thân, bạn bè, quyền lợi tài chính, nhân thân liên quan vụ án, áp lực xã hội…

Thẩm phán không phải chịu bất kỳ sự chỉ đạo, ảnh hưởng nào từ phía họ đối với các phán quyết của mình. Hoạt động xét xử của Tòa án không chỉ dành cho các hành vi vi phạm pháp luật của mỗi cá nhân, kể cả các quan chức cao cấp của nhà nước mà còn mở rộng ra cả hoạt động của các tổ chức, kể cả cơ quan quyền lực nhà nước trung ương…

Như vậy, giả dụ như ai đó có đề xuất rằng cần học hỏi mô hình của “tam quyền phân lập” để có được tư pháp độc lập, thì đó là một ý kiến đáng quan tâm về tính thực tiễn – thay vì vẫn giữ thói quen lâu nay là hễ cứ ai đề xuất “tam quyền phân lập” là người ấy hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, nên dứt khoát là phải ‘ra roi’ để trừng trị để tránh mối nguy của thế lực thù địch lợi dụng cho diễn biến hòa bình!

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam tuyên bố tiếp tục làm án theo chỉ đạo

Do Van Tien

VNTB – Người Sài Gòn khoái đọc tin Mỹ vờn Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Virus corona biết lựa người để lây?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.