VNTB – Tụng ca và ‘thực tế ca’

VNTB – Tụng ca và ‘thực tế ca’

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Những ngợi ca tiếp theo đây được fanpages Thông tin Chính phủ chọn mua ‘lượng view’ trên mạng xã hội Facebook.

 

Nếu những thông tin tụng ca dưới đây là đúng sự thật, thì xem chừng sắp tới đây sẽ bắt bỏ tù hết mấy ông bà nhà báo nào đó viết bài trên trang Việt Nam Thời Báo, lẫn báo chí nhà nước theo Điều luật hình sự 117, về chuyện cứ ta thán suốt ngày thiếu xăng, thiếu vắc-xin chích ngừa cho trẻ em, thiếu thuốc điều trị bệnh…; rồi công nhân thất nghiệp vì nhiều hãng xưởng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã đóng cửa; người trẻ Việt chấp nhận phải bỏ xứ để làm thân phận cu-li…; và cả việc sàn chứng khoán cứ đỏ suốt, cùng chuyện dân chúng trông ngóng tin đầy hào hứng việc quan chức nào sẽ là ‘củi’ cho ‘lò đốt tham nhũng’ của cụ Tổng bí thư.

Thiết nghĩ, nếu thật sự Đảng biết lắng nghe ý kiến đa chiều, và Đảng cũng không ngại đối diện với các chỉ trích trong khuôn khổ của điều 4.2 Hiến pháp 2013 là “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” thì Đảng đừng phung phí tiền thuế của dân vào ba cái chuyện ‘mua like – tăng lượt view’ đầy thô thiển của kiểu nói Trạng trong bài viết ‘tích xanh’ fanpages “Thông tin Chính phủ”:

Sau hơn 35 năm Đổi mới, quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD.

Quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP cao, 9 tháng đạt 8,83%, ước tính cả năm đạt 8%.

Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng, với tinh thần đoàn kết, chung tay cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất.

Theo đó, Việt Nam sẽ giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư”.

Sở dĩ ngờ vực những thông tin đầy tốt đẹp ở trên của fanpages “Thông tin Chính phủ”, vì, xin dẫn chứng luôn, từ chuyện kit-test Covid-19 dẫn đến nhiều quan chức, viên chức đang vướng vòng lao lý, đưa tới bệnh viện sợ vạ lây đến mức ngại đấu thầu, không dám mua thuốc, mua vật tư y tế, hay những “biến chứng” xã hội hóa y tế… xét tới cùng cũng chỉ là “triệu chứng” bên ngoài của “cơn bạo bệnh” ngành y trong bối cảnh vẻ ngoài gọi là “chính trị ổn định”.

Nguyên nhân nằm ở tầng sâu hơn, đó là chính sách, cụ thể là quan niệm về dịch vụ công y tế và vai trò, mô hình vận hành thiết chế y tế công lập. Những vấn đề cải cách mang tính “lõi” và phức tạp về quan hệ công – tư như vậy đến nay vẫn tránh né để mong có được vẻ ngoài chính trị ổn định như một kiểu giấu bệnh, nên Đảng cứ lầm tưởng rằng khi ‘lò cháy đượm vì đầy củi’, ắt đó là đúng đơn thuốc chữa được những căn bệnh trầm kha hiện nay của ngành y.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)