Hà Nguyên
(VNTB) – Cho đến hiện tại thì không có quy định nào về tuổi nghỉ hưu đối với quan chức từ cấp Bộ trưởng trở lên.
Luật nào quy định tuổi nghỉ hưu của quan chức cấp Bộ Chính trị?
“Xét nguyện vọng cá nhân, Bộ Chính trị đã đồng ý để Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định” – trích thông cáo báo chí ngày 23-12-2022 của Bộ Chính trị.
Một thông cáo báo chí khác được Quốc hội phát hành gần hai tuần lễ sau đó, viết:
“Trưa 5-1-2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã họp tiến hành nội dung về công tác nhân sự.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam theo nguyện vọng cá nhân.
Theo Thủ tướng, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Xét nguyện vọng cá nhân, Bộ Chính trị đã đồng ý để đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 thôi giữ chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định.
Từ các căn cứ trên, Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với hai đồng chí Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam”.
Tương tự, tiếp sau đó cũng gần hai tuần lễ, lại có một thông cáo báo chí được phát hành với nội dung:
“Ngày 17-1-2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026”.
Cụm từ “nghỉ hưu theo quy định” và “nghỉ hưu” ở cả ba thông cáo báo chí như trên là điều mà người ta chưa thể tìm thấy trong một văn bản pháp quy hiện hành nào.
“Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền
Tính đến hiện tại thì pháp luật Việt Nam chỉ có quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được áp dụng cụ thể ở các đối tượng cụ thể như sau tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2022, theo đó ở khoản 1 Điều 2 quy định:
“Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản;
Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
đ) Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó trưởng các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số”.
Khoản 2 Điều 2, Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, cho biết điều chỉnh luôn cả “Công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Tránh nhằm lẫn, Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, tại khoản 3 Điều 2 nói rõ nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng sau:
“Cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên; Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều này là Ủy viên Trung ương Đảng;
Trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với các trường hợp quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng”.
Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, tại Điều 3. Nguyên tắc thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ghi:
“1. Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định này nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
3. Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
4. Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, nếu khẩu hiệu quen thuộc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” được thực thi thì cả 3 ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc không thể “nghỉ hưu”.