Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tỷ giá USD/VND và giá hàng hóa trong nước?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nếu kịch bản tỷ giá USD/VND tăng cao hơn các năm trước diễn ra, Việt Nam làm gì để kìm lãi suất?

 

Thông thường, USD tăng mạnh sẽ gây áp lực cho VND, như vậy tỷ giá USD/VND sẽ có sự chênh lệch giá lớn, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Theo đó, giá hàng hóa trong nước sẽ bị tác động mạnh, có thể tăng giá bất thường.

Khi tỷ giá VND bị mất giá nhanh cùng với lạm phát thì nhiều khả năng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ thắt chặt hơn. Theo đó, các doanh nghiệp dù có xuất khẩu hay không đều bị ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Ngoài ra, nếu tỷ giá tăng mạnh hơn mức kiểm soát sẽ ảnh hưởng nhiều tới dòng vốn, đặt biệt là vốn ngoại vào nền kinh tế và thị trường tài chính. Đơn giản vì khi quy đổi sang VND, các nhà đầu tư có khả năng bị lỗ tỷ giá trước khi kịp đầu tư hay kinh doanh gì đó.

Theo đó, các doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá, như cân đối với việc xuất khẩu và nhập khẩu, kinh doanh ở thị trường sử dụng USD và thị trường sử dụng các đồng tiền khác sẽ làm lợi cho chính mình. Ví dụ như xuất khẩu qua những nước sử dụng USD nhưng nhập khẩu từ những quốc gia còn lại.

Báo cáo nhanh của Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022; mức tăng lãi suất hồi trung tuần tháng 6 là 0,75 điểm %, lớn nhất trong vòng 28 năm qua, và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh với chỉ số DXY tức USD Index tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022, khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Sáng 11-7-2022, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 23.170 đồng/USD, tăng 53 đồng so với cuối tuần qua. Đồng thời trong cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều chỉnh tăng giá bán ra USD từ mức 23.250 đồng lên 23.400 đồng.

Ngân hàng Eximbank giữ nguyên giá mua vào 23.240 đồng/USD và bán ra là 23.460 đồng/USD. Riêng ngân hàng Vietcombank mua vào 23.180 đồng/USD và bán ra 23.490 đồng/USD, giảm 10 đồng so với cuối tuần qua. Giá USD tự do giữ nguyên giá mua là 24.050 đồng/USD và nhưng tăng 80 đồng ở chiều bán ra, lên 24.150 đồng/USD.

Quan sát thị trường tài chính cho thấy đang có loạt động thái Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục thực hiện là: Hút ròng tiền qua kênh tín phiếu lên tới gần hàng trăm ngàn tỷ đồng; “bơm” thanh khoản cho các ngân hàng vẫn phải vay mượn lãi cao qua kênh OMO (Open Market Operations Interest Rate) để điều tiết tiền trong hệ thống; Bán bớt dự trữ ngoại tệ, cung USD ra thị trường…

Một báo cáo ngân hàng HSBC Việt Nam, ghi nhận trong quý 2-2022, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 0,6 tỷ USD, từ mức thặng dư 1,5 tỷ USD trong quý 1-2022. Điều này có thể khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt trầm trọng hơn.

Kể từ quý 2-2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã dần bị xói mòn, khi mức thặng dư ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. “Sau khi chứng kiến mức thâm hụt 1% GDP trong năm 2021, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt sẽ ít hơn năm ngoái, có thể chỉ khoảng 0,3% GDP. Điều này sẽ có thể gây áp lực hơn nữa lên tiền đồng”, HSBC Việt Nam phân tích.

“Với mức dự trữ ngoại hối hiện nay, nếu có nhu cầu ngoại hối đột biến, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá” – ông Trương Văn Phước – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định như vậy.

Theo ông Phước, do mặt bằng lãi suất VND thời gian qua khá cao so với lạm phát (lãi suất thực dương). Áp lực lạm phát nên khó giảm lãi suất, song cũng không có cơ sở để tăng lên vì còn phụ thuộc cung cầu tiền tệ.

Về cầu tiền tệ, dòng vốn vào chứng khoán và bất động sản đã giảm rõ rệt, vốn vào sản xuất, kinh doanh tăng lên phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Do đó, vấn đề quan trọng còn lại là cung ứng tiền. Đáp ứng đủ và kiểm soát chất lượng dòng tiền vào nền kinh tế không chỉ giúp lãi suất ổn định mà còn góp phần giảm áp lực lạm phát.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tiền đồng đang được bơm mạnh ra hệ thống ngân hàng

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thị trường chứng khoán bị bán tháo

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cuối năm… thất nghiệp

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo