Anh Khoa dịch
(VNTB) – Vùng cấm bay không chỉ nguy hiểm mà còn vô ích. Lệnh cấm vận dầu mỏ thì tốt hơn
Ngày 6 tháng 3 năm 2022
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, kêu gọi lập vùng cấm bay. Kẻ thù của Zelensky, Vladimir Putin lên án ý tưởng này. Vùng cấm bay đang trở thành thước đo mức độ ủng hộ của bạn bè dành cho Zelensky và những người dân Ukraine dũng cảm. Ai lại chống việc bảo vệ thường dân Ukraine khỏi các cuộc ném bom của Nga vốn bị coi là tội ác chiến tranh? Bên cạnh đó, một khu vực cấm bay sẽ tạo điều kiện cho quân đội Ukraine tấn công vào các đoàn xe của Nga mà không phải đối diện với nguy cơ bị tấn công từ trên không. Đây là một đề xuất hấp dẫn. Nhưng cũng là ý tưởng sai.
Những lời kêu gọi NATO áp đặt vùng cấm bay ngày càng nhiều hơn bởi vì trong tuần thứ hai của cuộc chiến, Nga đã đổi chiến thuật. Sau thất bại trong cuộc tấn công chớp nhoáng ban đầu, nhờ lòng dũng cảm và sự tháo vát của người Ukraine và sự kém cỏi của người Nga, Putin đang phải gia tăng việc tàn phá và bắn giết. Thiết giáp của Nga đã chiếm phần lớn vùng phía nam Ukraine, xâm nhập từ Crimea và từ Donbas ở phía đông. Quân Nga tiến chậm ở phía bắc, nhưng mục đích rõ ràng là cho quân đội từ Belarus và phía đông đến bao vây Kyiv, bao vây thủ đô và nếu cần sẽ ném bom và pháo kích để chiếm được Kyiv.
Chiến tranh càng trở nên tồi tệ, Putin sẽ càng khủng bố thường dân Ukraine nhiều hơn – và tìm cách buộc lãnh đạo Ukraine phải đau đớn lựa chọn hoặc đầu hàng hoặc bị tàn sát hàng loạt. Người dân đã phải chịu đựng đau thương ở các thành phố như Kharkiv và Chernihiv đang bị ném bom bừa bãi, có cả bom chùm gây ra thương vong nặng nề khi chất nổ bao phủ một khu vực rộng lớn. Các cuộc không kích diễn ra ở Zhytomyr, Bucha và Irpin và các thị trấn khác xung quanh Kyiv. Một lệnh ngừng bắn ở Mariupol, trên Biển Azov, để cung cấp cho người dân lối thoát an toàn đã bị phá vỡ khi quân Nga tiếp tục tấn công chỉ 45 phút sau khi lệnh ngừng bắn được ký.
Những người ủng hộ vùng cấm bay kể cả chính phủ Ukraine, lập luận rằng việc ngăn chặn Nga sử dụng máy bay hoặc máy bay không người lái sẽ bảo vệ dân thường khỏi những chiến thuật tàn nhẫn này. Một số thành viên NATO đã áp đặt vùng cấm bay đối với Iraq trong những năm 1990 và sau đó vài năm đối với Bosnia và vào năm 2011 đối với Libya trong cuộc lật đổ nhà độc tài Muammar Qaddafi. Họ nói rằng bây giờ NATO cũng nên làm như vậy.
Họ cho rằng khu vực cấm bay không chỉ đáp ứng mệnh lệnh nhân đạo mà còn có ý nghĩa đối với NATO. Về mặt chiến thuật, họ nói, vũ khí quan trọng của Putin sẽ bị tước đi, khiến quân Ukraine có thời gian tiếp tế và dễ tấn công các quân đội Nga. Họ lập luận rằng khu vực cấm bay cũng có giá trị về mặt chiến lược. Putin đã nói rõ rằng một trong những mục tiêu của ông ta là phá hủy NATO, bằng cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi châu Âu. Điều đó sẽ khó xảy ra nếu cuộc xâm lược Ukraine thất bại.
Sự ủng hộ cho những lập luận này có thể sẽ tăng lên khi xảy ra những vụ giết người ở các thành phố của Ukraine. Và người có tư duy đúng đắn sẽ muốn chứng kiến Zelensky và quân của ông đánh bại quân của Putin. Tuy nhiên, càng xem xét kỹ hơn, thì càng thấy rõ rằng khu vực cấm bay không chỉ không mang lại được điều này mà còn gây ra thảm họa.
Có điều, lệnh cấm bay sẽ chẳng giúp đạt được mục tiêu chính là bảo vệ thường dân Ukraine. Nga chủ yếu dựa vào pháo và tên lửa để tấn công các thành phố của Ukraine.Với việc sử dụng không lực, tướng Nga sẽ chỉ cần tập trung nhiều hơn vào vũ khí trên mặt đất. Chấp nhận giết hại dân thường là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, liệu NATO có thể dừng lại khi cuộc tàn sát tiếp tục?
Trong quá khứ, các khu vực cấm bay đã không được thực thi chặt chẽ, vì việc tuần tra các khu vực rộng lớn trên bầu trời rất tốn kém và khó khăn. Làm như vậy cũng sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Máy bay NATO – ở đây có nghĩa là Lực lượng Không quân của chúng ta – trước tiên cần phải tiêu diệt các hệ thống phòng không của Nga. Nếu có khả năng máy bay Nga vẫn tiếp tục bay, thì NATO sẽ phải bắn hạ chúng.
Putin dường như tin rằng ông ta đang đánh nhau với NATO. Nếu không dừng lại ở Ukraine, Putin phải bị đánh bại về mặt quân sự. Tại sao không giải quyết ngay bây giờ cho xong, trong khi Putin đang gặp khó khăn?
Câu trả lời là hỗ trợ ngoại giao và hậu cần cho Ukraine khác với chiến đấu trực diện với Nga một trời một vực. Putin đã cho thấy rằng, đối mặt với diễn tiến không được như ý trên chiến trường, bản năng của ông ta là leo thang. Nếu NATO bắt đầu bắn hạ không lực Nga, thì họ đã mời Putin tiếp tục leo thang chiến tranh như bắn phá các quốc gia tuyến đầu của liên minh này. NATO có thể thấy mình ở vị trí cũng phải leo thang đáp trả nhằm đảm bảo cam kết rằng một thành viên bị tấn công có nghĩa là cả liên minh bị tấn công.
Đừng ảo tưởng rằng chiến tranh leo thang như vậy có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, đặc biệt nếu có thì Putin cần phải bù đắp cho thất bại của Nga. Tổng thống Nga đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Cũng có nhiều suy đoán rằng Putin có thể đang chuẩn bị một vụ tấn công hóa học. Logic của sự leo thang chiến tranh đòi hỏi mỗi bên phải đối mặt với một cuộc tấn công trả đũa. Nó có thể dễ dàng trở thành phép thử xem bên nào sẵn sàng đi đến cực điểm.
Khi nêu ra sự khác biệt giữa việc tham chiến trực tiếp chống lại Nga và hỗ trợ Ukraine, NATO hạn chế nguy cơ leo thang như vậy, ngay cả khi NATO không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ đó. Đó là bởi vì NATO báo hiệu rằng việc tham gia của họ có những giới hạn và bởi vì Nga không thể dễ dàng chuyển từ xâm lược Ukraine sang xâm lược khối NATO.
Ngược lại, một vùng cấm bay khiến cuộc chiến ở Ukraine mở rộng thành chiến tranh ở các quốc gia tiền tuyến của NATO. Vùng cấm bay gây ra thảm họa cho dù không hứa giúp đỡ vật chất cho Zelensky và quân đội Ukraine.
NATO đã cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga. Họ có thể và nên làm nhiều hơn thế. Một ý tưởng là Ba Lan cung cấp cho Ukraine một số máy bay chiến đấu cũ do Liên Xô sản xuất. Họ cũng có thể hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine với các hệ thống có tầm xa hơn tên lửa Stinger di động mà họ nhận được cho đến nay. Cả hai điều này sẽ có ích nhiều hơn là yêu cầu phi công NATO làm việc đó cho họ.
Một ý tưởng hay khác là làm suy thoái nền kinh tế Nga hơn nữa bằng cách áp đặt lệnh cấm vận dầu và khí đốt của Nga. Các biện pháp trừng phạt hiện tại không bao gồm năng lượng, nhưng Nga rất cần ngoại tệ cứng từ xuất khẩu dầu và khí đốt để thanh toán cho hàng nhập khẩu, bởi vì các lệnh trừng phạt hiện tại đã đóng băng nguồn dự trữ của nước này.
Cả nguồn cung cấp vũ khí và lệnh cấm vận cũng có nguy cơ gây leo thang chiến tranh. Và các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga sẽ khiến nền kinh tế thế giới phải trả một giá đắt. Nhưng trừng phạt kinh tế có ít rủi ro và cái giá phải trả thấp hơn so với giải pháp khu vực cấm bay. Hơn nữa, chúng thực sự có thể có hiệu quả.
Nguồn: The Economist