VNTB – USD lại… dậy sóng

VNTB – USD lại… dậy sóng

Hàn Lam

 

(VNTB) – Ngoài áp lực thị trường thế giới, cầu tín dụng yếu hay nhập siêu lớn từ khu vực kinh tế trong nước và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ là các nguyên nhân tạo áp lực tỷ giá hiện nay.

 

Hôm 4-4, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 18 đồng, lên 23.038 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại tăng giá giá USD thêm 10 đồng, Vietcombank mua vào lên 24.770 – 24.800 đồng, bán ra 25.140 đồng; Eximbank mua vào 24.770 – 24.850 đồng, bán ra 25.160 đồng; ACB mua vào 24.800 – 24.850 đồng, bán ra 25.150 – 25.180 đồng…

Cùng thời điểm, giá đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế giảm nhanh trở lại, chỉ số USD-Index xuống 0,5 điểm, còn 104 điểm. Các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu mới đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các dữ liệu trước khi cắt giảm lãi suất, một động thái mà thị trường tài chính dự kiến sẽ xảy ra vào tháng 6 tới.

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng dậy sóng với xu hướng tăng trở lại gần đây. Dù chưa về mức đỉnh đã thiết lập (25.700 đồng), song giao dịch USD chợ đen ở mức 25.440 – 25.540 đồng cũng vẫn là mức cao từ trước đến nay.

Giới quan sát cho rằng một điểm khó hiểu trên thị trường là giá USD tăng bất chấp nguồn thặng dư thương mại công bố lên đến 8,08 tỷ USD, nguồn vốn đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam lên 4,6 tỷ USD, đó là chưa kể kiều hối… Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trước đây cao là nguyên nhân gây tỷ giá tăng thì nay cũng đã không còn quá áp lực. Sau 3 tuần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước thực hiện hút VND với khối lượng khoảng 172.000 tỷ đồng trên thị trường mở, lãi suất tiền đồng đã tăng lên từ 3,45 – 5,14%/năm, thay vì từ 0,7 – 5,2%/năm vào giữa tháng 3. Điều này đã giúp lãi suất VND thấp hơn USD ở mức 1 – 2%/năm tùy kỳ hạn, thay vì trước đó lên đến 1 – 5%/năm.

Ở phía cung USD, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa bán dự trữ ngoại hối để can thiệp. Đồng thời dù giải ngân FDI có tăng tốc khi so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể quy mô giải ngân các tháng cuối năm 2023. Quan sát đối với dòng tiền đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy khả quan.

Một chuyên gia về tài chính khác cho biết tỷ giá biến động trên 3% không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, khối ngoại có xu hướng rút bớt vốn khi mà tỷ giá biến động mạnh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải rằng do áp lực tăng của chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed bằng hạ lãi suất dẫn tới đồng USD tăng rất cao, làm giảm giá các nước khác trong khu vực, trong đó có đồng tiền của Việt Nam. Thêm nữa là chính sách hạ lãi suất VND của Việt Nam rất mạnh trong thời gian qua, đã tạo ra chênh lệch lãi suất VND/USD trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đồng USD âm, càng làm cho tỷ giá nóng hơn.

Bà Hoàng Thị Mỹ Liên – trưởng phòng phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) – cho biết tỷ giá thường khá ổn định giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh năm 2024 có nhiều khác biệt, đáng kể nhất lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua. Ngoài ra, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại cũng là yếu tố góp phần.

Một số chuyên gia khuyến nghị nên đa dạng hóa rổ tiền tệ được sử dụng để đưa ra tỷ giá trung tâm. Việc neo tỷ giá theo USD trên thực tế sẽ khiến cho giá trị của VND bị thay đổi theo hướng bất lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh giá trị của đồng USD tăng lên do các chính sách đối phó với lạm phát của Fed.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)