Đinh Phương (VNTB) Người viết nói ra điều này có thể bị hiểu theo một cách khác là kỳ thị người bắc. Nhưng thực tế người viết gốc người miền bắc, chỉ muốn nói ra một sự thực với hy vọng đánh động được vào cách suy nghĩ về những vấn đề liên quan một cách tích cực, nhất là với giới trí thức đang cầm bút.
Người ta thường giương khẩu hiệu Bắc-Trung-Nam là một, nhưng thực tế đấy chỉ là những lời có cánh.
Cái đặc tính kỳ thị vùng miền được cổ súy trong văn chương dân gian, và còn được lưu truyền cả trong sách giáo khoa:
“Ta về ta tắm ao ta
dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Suy diễn và hành động theo nhưng câu ca dao như trên sẽ đưa đến trước hết là cục bộ gia đình, sau đó là bè phái họ hàng bạn bè thân thuộc, rồi xa hơn là cục bộ vùng miền, quốc gia xuyên quốc gia.
Vô tình hay cố ý, nó làm cho người ta nghĩ đó là tự nhiên, một sự tự nhiên mang tai hoạ của một khối u ác tính. Ở thời buổi văn minh hiện đại cùng với xu hướng toàn cầu hóa, lối tư duy này xem ra rất “phản động”. Biết rõ người nhà mình sai, nhưng vẫn mưu mẹo để chống chế. Biết rõ đất nước người ta giầu mạnh nhưng cứ khư khư là đang giẫy chết (và cũng muốn người ta chết thật).
Sau khi đất nước „thống nhất“, “giang sơn được thu về một mối”, thì tình trạng „không thống nhất“ vùng miền có cơ hội thể hiện rõ nét nhất. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này ở mọi nơi sinh hoạt.
Trong cuộc chiến anh em, cho dù một số người nam – dưới tên là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” (MTDTGPMN) – đã sát cánh cùng người bắc để chiến thắng toàn bộ miển nam, và cho dù đã 40 năm „anh em“ hòa hợp tay bắt mặt mừng, thế nhưng cái đố kỵ vùng miền vẫn còn được giắt ở thắt lưng, từ hạ tầng đến thương tầng của xã hội.
Thể hiện sự “thâm thúy” của mình, người bắc “xuất chiêu” với người anh em miền nam ngay sau khi “giải phóng”. Năm 1976 – chỉ một năm sau – cái gọi là “Tổng tuyển cử thống nhất đất nước” đã vĩnh viễn đưa MTDTGPMN của người miền nam đến phần huyệt mộ, và họ ồ ạt đưa đưa cán bộ người bắc vào nam nắm các vị trí chủ chốt đến tận cấp xã phường cho tới hôm nay. Còn “Đạp-Đồng-Đài” ở đâu có sẵn cho họ “Vào-Vơ-Vét-Về” thì chỉ là câu chuyện cười khẩy lúc bù khú.
Đọc qua các tài liệu như „Bên Thắng Cuộc“…, thì kỳ thị vùng miền rất sít sao ở thượng tầng kiến trúc chính trị. Những mưu toan nhân sự với “tư duy bắc kỳ” đã ảnh hưởng toàn bộ đến sự phát triển và tồn vong của đất nước coi như gần một thế kỷ qua. Kết quả là gì hôm nay?
Nhiều người trong dịp đại hội đảng XII cứ đồn đoán lăng nhăng, nhưng ít ai chịu nhận ra là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người miền nam – chỉ là “con ghẻ” của đảng. Giả thử nếu ông Dũng là người bắc, thì rất khả dĩ là ông ấy không bị hất ra không trống không kèn như thế. Không mấy người thần tượng ông Dũng, nhưng dù sao trong xứ mù thì ông Dũng còn là người chột – dù dưới sức ép ngàn cân của Tầu – dám tuyên bố trước bá quan văn võ là “nhất định không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng với tình hữu nghị viển vông lệ thuộc nào đó”.
Nhiều người bảo ông Trọng lần này mưu cao. Thực chất ông Trọng đâu phải tính toán nhiều, đứng đằng sau ông Trọng cả là một ban bệ „thâm mưu” người bắc, mà họ lại nằm trong Trung ương, nắm bộ Chính trị[1]. Họ vận dụng “văn hoá vùng miền“ với „dân chủ tập trung“ thì dân miền nào – ngoại trừ người miền bắc – dù có giỏi đến đâu cũng bị kéo lật nhào khỏi cái ghế chóp bu quyền lực, bằng mọi giá.
Đừng có mon men! Ông Trọng chỉ cần ngoáy chỗ này một tí, chọc chỗ kia một tẹo, thế là xong. Tiêu chuẩn đầu tiên: „Tổng bí thư phải là người miền bắc“ đâu có phải là lời nói để đùa một cách vô tình. Đằng sau nó cả là một “triết lý” đấy chứ! Thế là ông Dũng miền nam ngã ngựa, cho dù bao nhiêu quan hầu chung quanh.
Trong ván bài chính trị truyền thống của đảng, người bắc (và người trung phía bắc) luôn giành nắm bài chủ. Họ luôn cục bộ bè phái như thế. Người nam (và người trung phía nam) chỉ là “người phu khiêng kiệu cưới”.
Bất luận thế nào, người bắc đã lãnh đạo miền bắc hơn 70 năm và miền nam hơn 40 năm. Họ để lại cho Việt Nam một đất nước rất dễ bị người dân từ chối. Kết quả thấy rõ là ở đâu họ cầm quyền càng lâu thì vùng đất ấy lại càng sa lầy, xã hội càng bạo lực, văn minh càng luẩn quẩn và kinh tế nồng mùi lúa nước. Đơn giản: Thầy trò họ truyền cho nhau những lý luận giáo điều, không được giáo dục để có một tư duy trong lành. Cứ đời ông này tiếp sang đời ông sau như thế.
Sự khác biệt về cách sống của Sài Gòn và của Hà Nội đã nói lên tất cả dù đã có hơn 40 năm nối liền. Có nhiều người mơ mộng: Sao ngày 30.04 ấy không phải là ngày miền nam giải phóng miền bắc?
Để tồn tại và thăng tiến, đã đến lúc xã hội Việt Nam phải tự khai phóng khỏi những tư duy giáo điều và lý luận độc hại. Người dân phải nắm được quyền tự quyết để chọn người đại diện điều hành đất nước. Và ai, người miền nào cũng được, miễn là họ có tài, can đảm, và đồng thời có lòng với người dân, tránh được „khủng hoảng lãnh tụ“ như hiện nay. Chúng ta có sẵn lòng không?
Đại hội đảng XII đã xong. Với „nhân sự mới“, đất nước sẽ đứng lại thêm ít năm nữa – chứ không phải “Đất nước đứng lên” như của nhà văn Nguyên Ngọc -. Muốn đứng lên sánh vai cùng cường quốc năm châu, Việt Nam cần phải có một hệ thống chính trị với tư duy mới, con người mới, ít nhất là khác hơn với cũ như đang hiện hình.
Càng kéo dài thêm tình trạng như hiện nay thì đất nước càng mạt vận. Chúng ta chưa có gì đáng tự hào, ngoại trừ tự hào chiến tranh, đánh thắng hai đế quốc theo kiểu của mình: “Lấy thân chèn pháo” và “chui luồn điạ đạo Củ Chi”.
Chú thích:
[1] https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1541179059528548
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả