Nguyễn Nam
(VNTB) – Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được sự quan tâm của một số ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án
Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ việc mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trong chuyến công tác đầu năm 2023 tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) Quảng Ngãi.
Ở lần “tới thăm, làm việc” đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhắc lại đề xuất dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất đề án xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Dung Quất.
Thủ tướng đã ủng hộ đề xuất trên với việc cho rằng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29-12-2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, trong đó có đề án mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia Dung Quất.
PVN và BSR cho biết dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được sự quan tâm của một số ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án; cụ thể gồm các tổ chức tín dụng xuất khẩu như SACE (Ý), KSURE, KEXIM (Hàn Quốc), JBIC (Nhật), Hermes (Đức); các ngân hàng J.P.Morgan (Mỹ), Societe Generale (SG) – Pháp, Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW) – Đức,…
Ý kiến về đề xuất trên, phía Bộ Công thương cho rằng BSR cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới thu xếp vốn, nguyên liệu dầu thô, công nghệ dự án… Ví dụ như tổng vốn đầu tư điều chỉnh của dự án giảm 540 triệu USD so với phương án được phê duyệt năm 2014, về gần 1,26 tỷ USD. Trong đó, BSR góp 40%, tức khoảng hơn 500 triệu USD, tương ứng hơn 12.000 tỷ đồng, bằng vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay.
Theo phương án cổ phần hoá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ vốn chủ sở hữu dự án sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại hằng năm của BSR giai đoạn 2018 – 2023. Nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp 2018 – 2020 không mấy khả quan, lần lượt đạt gần 251 tỷ đồng; 2.914 tỷ và âm 2.819 tỷ đồng.
Luỹ kế lợi nhuận 3 năm từ khi chuyển sang công ty cổ phần là hơn 345 tỷ đồng, tương đương 15 triệu USD, chỉ đáp ứng được 2,7% nhu cầu vốn chủ sở hữu của dự án. Việc này có thể khiến thu xếp vốn cho dự án không đảm bảo, Bộ Công thương lo ngại.
Nguồn nguyên liệu dầu thô của dự án này cũng được Bộ Công thương lưu ý. Theo đó, nguyên liệu dầu thô dự kiến là hỗn hợp dầu Azeri BTC/ESPO với tỷ lệ 53/47 hoặc tương đương. Đây là hỗn hợp dầu đặc trưng cho các họ dầu thô có trữ lượng, sản lượng khai thác lớn; sẵn có trên thị trường và phương án dầu thô lựa chọn có tính linh hoạt cao.
Loại dầu này có nguồn gốc từ các nước cũng như các chủ mỏ/chủ giao dịch có quan hệ chiến lược với Việt Nam, tuyến đường vận chuyển thuận lợi. Giá thấp hơn dầu thô Bạch Hổ hiện chế biến tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên có thể đem lại lợi nhuận chế biến cao hơn.
Bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine hiện nay làm thay đổi bức tranh cung cầu, giá thị trường năng lượng khu vực châu Âu, thế giới… Bộ Công thương nhấn mạnh BSR cần đánh giá đầy đủ, thận trọng khả năng nhập loại dầu thô khai thác từ Nga, và các rủi ro liên quan, về giá, phương thức vận chuyển về Việt Nam, phương án giao dịch, thanh toán và các vấn đề phát sinh nếu mua dầu từ Nga…
BSR – chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Lọc dầu Dung Quất đã đề nghị Thủ tướng chính phủ đồng ý để BSR được áp dụng các giải pháp đặc cách, cơ chế ưu đãi, như cho phép họ đàm phán, ký mở rộng hợp đồng với các nhà bản quyền công nghệ đang có hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với công ty BSR. Chủ đầu tư cũng kiến nghị cho phép họ được thực hiện các giải pháp triển khai nhanh, song song hoặc rút gọn các bước công việc để đạt yêu cầu tiến độ dự án.
Để đạt hiệu quả kinh tế khi nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR kiến nghị Thủ tướng cho hưởng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% sau 30 năm hoàn thành dự án; 4 năm đầu miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; xem xét, giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% thêm 4 năm, tức tới 2028, để giúp Lọc dầu Dung Quất kinh doanh bình đẳng với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, BSR cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho ngân hàng thương mại tăng hạn mức tín dụng vượt giới hạn để cho vay và cấp bảo lãnh vay vốn với dự án. BSR được giải ngân tiền vay, bảo lãnh vay bằng ngoại tệ để thanh toán cho dự án; được giải ngân gần 2.740 tỷ đồng tại OceanBank…
1 comment
Chỉ mong chuyện này cũng dựa theo di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh mà làm