Ngọc Vân
(VNTB) – Nhà nước Việt Nam hiểu rõ tình thế của họ và thực sự, giải pháp tốt nhất của họ cho vấn đề này hiện nay là bỏ phiếu trắng.
Nhiều người tỏ ý bất bình trước việc Chính Phủ bỏ phiếu trắng khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Có nhiều ý kiến về lý do Hà Nội từ chối chính thức lên án Nga cùng với thế giới, trong bài này tôi xin đưa ra một lý do dựa trên an ninh quốc gia. Nếu xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, có rất ít khả năng thế giới sẽ giúp Việt Nam như đang giúp Ukraine. Trong khi đó, gần như toàn bộ vũ khí hạng nặng của Việt Nam do Nga hoặc Trung Quốc cung cấp. Việt Nam cần Nga trong việc bảo trì, cung cấp phụ tùng và đạn dược để duy trì khả năng chiến đấu của quân đội.
Trước hết, chính tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ đã nói rõ Việt Nam cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine là sai về mặt luật pháp quốc tế. Tuy vậy, ông cũng nói Việt Nam đặt “lợi ích quốc gia” lên hàng đầu trong việc cân nhắc có nên cùng thế giới lên án Nga hay không (1).
Lợi ích quốc gia ở đây là gì? Có ý kiến cho rằng cần phải ủng hộ lẽ phải, cần phải ủng hộ việc thực thi luật pháp quốc tế để việc nước mạnh xâm lược nước yếu ít có khả năng xảy ra. Như vậy cũng là tự bảo vệ mình. Điều này có nghĩa là phải nghiêng về phía Ukraine và lên án Nga. Tuy vậy, thực tế cho thấy, sức mạnh của dân tộc, của quốc gia đóng vai trò chính trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Với Phương Tây, NATO, Hoa Kỳ và Liên Âu, Ukraine là một nước có giá trị và cần bảo vệ hơn nhiều so với Việt Nam. Họ là một quốc gia dân chủ, một chế độ mà Phương Tây và các nước tiến bộ khác trên thế giới cổ vũ. Ngược lại, Việt Nam có một chế độ độc tài, nơi quyền con người rất ít được tôn trọng. Một chế độ mà Hoa Kỳ và các nước dân chủ tiến bộ khác không muốn tiếp tục tồn tại. Một chế độ mà họ bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để phê phán, lên án. Các đài phát thanh như Tiếng Nói Hoa Kỳ, Radio Free Asia, hay BBC là vài trong vô số phương tiện mà họ sử dụng. Chính vì vậy mà Đảng Cộng Sản Việt Nam thường cho rằng phải đề phòng việc diễn biến hòa bình.
Hơn nữa, Ukraine lại nằm ở Âu Châu, sát với các nước đồng minh NATO nhỏ. Nếu Ukraine rơi vào tay Nga, các nước đồng minh NATO như Moldova, Slovakia, Hungary, Romania, Ba Lan, đặc biệt là nước nhỏ và đã từng thuộc Liên Xô trước đây sẽ ở vào thế rất chông chênh. Ít nhất, NATO phải tăng quân số tại các nước này. Điều này dẫn đến việc tăng chi phí quốc phòng. Hơn nữa, có khả năng chiến tranh du kích sẽ kéo dài trong nhiều năm tại nước này và có thể gây liên lụy đến các nước đồng minh NATO nhỏ cạnh Ukraine. Nếu Nga lấy cớ du kích quân Ukraine có mặt ở Moldova và tràn qua, thì chiến tranh giữa NATO và Nga có thể xảy ra.
Quan trọng hơn, dân Ukraine đồng lòng với chính phủ của họ trong cuộc kháng chiến dù tương quan lực lượng đôi bên nghiêng hẳn về phía Nga (2). Không chỉ nghiêng mà còn gấp nhiều lần. Tuy vậy, sự ủng hộ của các chính phủ các nước Tây Phương chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, đạn dược. Họ kiên quyết không tham chiến. Tuy dân Việt sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, khó có thể nói đa số dân chúng muốn bảo vệ chế độ. Nếu ông Nguyễn Thiện Nhân phải trốn vào nhà dân ở Thủ Thiêm để tránh quân Trung Quốc, chắc ông cũng không cảm thấy được an toàn lắm. Nếu bạn không tin vào điều này, hãy tìm lại hình ảnh các nhân viên an ninh tạo hàng rào bảo vệ ông trong một lần ông đi làm việc với bà con Thủ Thiêm.
Như vậy, nếu Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược, khả năng được các nước Phương Tây giúp như Ukraine là rất thấp. Chế độ hiện tại của Việt Nam là chế độ độc tài, một chế độ mà Tây Phương coi thường và không muốn tồn tại lâu dài.
Hơn nữa, độ lớn và tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp nhiều lần nền kinh tế Nga. Trong khi GDP của Nga là 1.500 tỷ Mỹ kim (3), GDP của Trung Quốc là 15.000 tỷ (4). Trong khi mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là dầu mỏ (5), Trung Quốc là nhà máy của thế giới. Sẽ khó hơn cho Tây Phương trong việc cấm vận Trung Quốc vì chiến tranh với Việt Nam. Khó có ai lại đi đóng cửa nguồn cung cấp hàng hóa của mình.
Về mặt quân sự, Việt Nam so với Trung Quốc, cũng yếu hơn nhiều so với Ukraine, khi so với Nga, ít nhất là về mặt chi tiêu. Chi tiêu quân sự của Nga gấp 10 lần của Ukraine (2); chi tiêu của Trung Quốc gấp 40 lần của Việt Nam (6).
Vì vậy, nếu Tây Phương có giúp Việt Nam, ảnh hưởng của họ cũng sẽ kém hơn nhiều so với ảnh hưởng họ có trong cuộc chiến Ukraine-Nga.
Nhìn chung, Nhà nước Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đơn phương kháng cự Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước. Vậy hãy xét xem quân đội Việt Nam cần gì để duy trì sức chiến đấu.
Điều quan trọng nhất là gần như toàn bộ vũ khí hạng nặng của Việt Nam do Nga hay Trung Quốc cung cấp. Toàn bộ hơn 70 máy bay chiến đấu hay ném bom hiện nay của Việt Nam thuộc dòng máy bay Sukhoi của Nga (7). Tương tự, phần lớn xe tăng của Việt Nam do Nga sản xuất; phần còn lại có xuất xứ Trung Quốc (8).
Với trang thiết bị quân sự như vậy, nếu Nga ngưng giúp Việt Nam trong việc bảo trì, cung cấp phụ tùng, đạn dược. Quân đội Việt Nam bị tê liệt.
Tóm lại, nhà nước Việt Nam hiểu rõ tình thế của họ và thực sự, giải pháp tốt nhất của họ cho vấn đề này hiện nay là bỏ phiếu trắng.
____________
Tài liệu tham khảo
https://nghiencuuquocte.org/2022/03/06/tuong-nguyen-chi-vinh-noi-ve-xung-dot-nga-ukraine/#more-44178
https://vnexpress.net/tuong-quan-suc-manh-quan-su-nga-ukraine-4422216.html
https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=RU
https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=RU
https://www.worldstopexports.com/russias-top-10-exports/
https://armedforces.eu/compare/country_Vietnam_vs_China
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_equipment_of_the_Vietnam_People%27s_Air_Force