Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì đâu mà sách giáo khoa có giá cả đắt đỏ?

Mai Lan

 

(VNTB) – “Làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán…”

 

Trong lĩnh vực in ấn sách nói chung, bao gồm cả sách giáo khoa, khi số bản in lên đến đơn vị vài trăm ngàn bản thì tỷ lệ chi phí của loại giấy hay khổ giấy chỉ còn là con số nhỏ trong tổng chi phí của một cuốn sách.

Khổ lớn – giấy tốt nên tiền phải đắt

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải thích về dư luận phản ánh tình trạng sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần. “Việc này tôi không phải thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để đại biểu biết thêm”, ông nói và cho rằng khi so sánh giá sách giáo khoa nên có sự tương đồng, tức giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Đơn cử, sách cho lớp 1, 2, 3, 7, 10, là biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội.

Các loại sách này được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, với bộ sách lớp 3, 7, 10 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do có chỉ đạo ráo riết nên năm nay giảm 10-15% so với năm trước, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng. Còn các bộ sách giáo khoa thuộc chương trình 2016 giá thấp hơn sách mới, vì được nhà nước hỗ trợ tiền cho nhiều khâu như biên soạn, thẩm định. Sách cũ khổ nhỏ, giấy xấu hơn. Thế nên bộ sách giáo khoa cũ giá 50.000 – 100.000 đồng; sách giáo khoa mới giá 200.000 – 300.000 đồng tùy từng loại.

“So sánh với sách cũ thì thấy khác nhau, nhưng so với sách chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu so giá sách mới với các bộ sách cũ được nhà nước tổ chức trước đây để nói sách giáo khoa tăng giá thì không tương đồng”, ông Sơn biện giải.

“Lợi ích nhóm” được nhân danh giáo dục?

Một số vấn đề đặt ra trước khi bàn đến giá sách được in ấn độc quyền từ nhà xuất bản Giáo dục.

Trước hết, chuyện khổ sách to giấy tốt cũng nên xem xét là có cần thiết không? Hiện nay đang có thực trạng là học sinh tiểu học ngày càng phải è lưng ra vác cái cặp nặng, tăng kích cỡ sách, giấy tốt sẽ làm cho trọng lượng quyển sách thêm nặng.

Xã hội nói nhiều về câu chuyện giảm tải cho học sinh, đặc biệt là các cấp nhỏ. Trong khi chương trình dạy lại thay đổi liên tục. Sách giờ lại to hơn, nặng hơn. Cái đó có phải là giảm tải không?

Chất lượng sách giáo khoa nằm trong kiến thức truyền tải, trong chương trình giảng dạy, kỹ thuật biên soạn phù hợp từng cấp học. Không phải trong các yếu tố mang tính biện minh của “khổ to, giấy tốt”.

Nếu chấp nhận biện minh này như cách nói lúc đăng đàn Quốc hội của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thì cần tìm hiểu về góc nhìn “lợi ích nhóm”, vì tại sao đã là sách giáo khoa khổ to, giấy tốt giá đắt nhưng chỉ có thể dùng 1 lần rồi bỏ?

Sở dĩ nói dùng một lần rồi bỏ vì sách giáo khoa “khổ to, giấy tốt” đã thiết kế việc chèn bài tập, câu hỏi liên hệ rồi để chỗ trống để học sinh trả lời. Dĩ nhiên là số trang sẽ tăng theo cho các phần chèn bài tập đó. Những vùng khó khăn đây là áp lực cho địa phương tỉ lệ hoàn thành phổ cập giáo dục ở các cấp học, người dân cái ăn đã khó thì tiền mua sách với giá như hiện nay không?

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng Bộ Giáo dục là nơi soạn thảo các mốc thời gian về cải cách giáo dục, vậy thì vì sao nơi đây không chủ động xây dựng về chi phí in ấn sách giáo khoa sao cho cạnh tranh nhất, và vòng quay sử dụng của sách giáo khoa có khả năng kéo dài nhất, ổn định nhất?

Ở đây, nếu thực sự nghĩ đến túi tiền của phụ huynh, các bộ ngành liên quan sẽ đề xuất chẳng hạn như miễn toàn bộ các sắc thuế, phí đối với việc nhập khẩu giấy phục vụ cho in ấn sách giáo khoa, và lợi nhuận của bên in ấn – phát hành cũng căn cứ từ đây để có những điều chỉnh tương ứng, ví dụ như tỷ suất lợi nhuận thông thường trong chiết khấu phát hành.

Ỷ thế là ông lớn?

Lưu ý là trong lĩnh vực in ấn sách nói chung, bao gồm cả sách giáo khoa, khi số bản in lên đến đơn vị vài trăm ngàn bản thì tỷ lệ chi phí của loại giấy hay khổ giấy chỉ còn là con số nhỏ trong tổng chi phí của một cuốn sách.

Tất cả vấn đề trên liệu có liên quan gì đến việc doanh thu của nhà xuất bản Giáo dục liên tục tăng trưởng từ 2015 đến 2019 – năm gần nhất doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh. Theo kế hoạch sản xuất và phát triển được đề ra năm 2017, nhà xuất bản đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.

Lợi nhuận giai đoạn 2017-2019 đều trên 100 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ban lãnh đạo nhà xuất bản từng cho biết việc “làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán, thậm chí mỗi năm còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành sách giáo khoa”.

Nhà xuất bản có 7 công ty con (nắm giữ trên 50% vốn), 26 công ty liên kết và 8 công ty được xem là khoản đầu tư dài hạn. Trong báo cáo lương thưởng năm 2020, bình quân mỗi người quản lý của nhà xuất bản có thu nhập 44,6 triệu đồng và nhân viên là 27,6 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tức cũng cho biết giai đoạn trước từ 2016 – 2020, nhà xuất bản này cũng không công bố các báo cáo này dù có tóm lược số liệu tài chính.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bệnh hô hấp ở trẻ em đang ở mức báo động

Do Van Tien

VNTB – Tự chủ đại học với hiệu trưởng là đảng viên?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân viên y tế giả bằng cấp chuyên môn?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo