Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn?

Hiền Vương (ghi)

 

(VNTB) – Trong lúc dịch giã như vầy, có lẽ thích hợp đến mức cần kíp, đó là hãy trả lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần.

 

Chính quyền quận 1 đã đề xuất chi 3,5 tỷ đồng để cải tạo tượng đài Trần Hưng Đạo, và chi 29 tỷ đồng để sửa sang khu vực công viên Mê Linh quanh tượng đài này. Dự án không thấy đề cập đến việc phải thỉnh trả lư hương về lại tượng đài Trần Hưng Đạo.

Dự kiến, với tượng đài Trần Hưng Đạo, phần thân tượng sẽ đục bỏ lớp vữa trát hiện hữu, bơm xử lý các vết nứt bê tông, quét chống thấm, làm mới vữa trát, phù điêu và sơn bảo vệ. Quận 1 đề xuất thay mới toàn bộ lớp đá trang trí bề mặt đã bong tróc; xử lý chống thấm, bảo vệ bề mặt tường bao và khung bệ đỡ. Hệ thống dây dẫn và đèn chiếu sáng được đề xuất thay mới toàn bộ.

Kinh phí cải tạo tượng dự kiến khoảng 3,5 tỷ đồng.

Trong lúc dịch giã như vầy, có lẽ thích hợp đến mức cần kíp, đó là hãy trả lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần.

Bà Nguyễn Thế Thanh, cựu Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM: “Tất cả các tượng Đức Thánh Trần trên đất nước đều có lư hương”.

Lư hương đặt trước tượng để những người đến chiêm bái có thể thắp nhang – một nghi thức tưởng nhớ theo truyền thống dân tộc. Chính vì thế, việc di dời lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh (quận 1, TP.HCM) đi nơi khác, cho dù nơi đó là một ngôi đền, đã trở thành một việc làm không thể nào hiểu nổi.

Đây là cách hành xử thiếu thận trọng liên quan đến một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất cho tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc.

Và một khi đã làm một việc nào đó thì phải trả lời được trước dân bằng những giải thích thỏa đáng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: “Ở ta, đa số tượng đài đều được coi là tượng thờ”.

Ở phương Tây, dưới chân tượng đài ở ngoài trời người ta không thắp hương, chỉ đặt vòng hoa. Do ảnh hưởng văn hóa phương Tây, ta cũng có tượng đài. Song ở ta, đa số tượng đài  đều được coi như tượng thờ. Việc khu biệt không rạch ròi, là vì đây thuộc về phạm trù văn hóa, nếu chọn theo văn hóa nào thì sẽ có cách thức, nghi lễ khác nhau.

Tượng thờ trước đây để ở trong nhà, sau này mới có phong trào  đưa Phật Quan Âm ra lộ thiên và thắp nhang, nhưng đó là trong khuôn viên nhà chùa.

Tượng đài để trong nghĩa trang thì người ta có quyền thắp nhang. Nói chung trong môi trường thờ tự thiêng liêng thì mọi người có thể thắp nhang trước tượng đài. Còn tượng đài để ở giữa đường thì không nên thắp nhang mà chỉ nên đặt vòng hoa. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, tượng đài Thích Quảng Đức thì nên thắp nhang vì ông được tôn xưng là Bồ Tát. Còn những tượng đài khác thì thôi.

Nhưng trong trường hợp dời lư hương nói trên hơi rắc rối một chút vì Trần Hưng Đạo vừa là danh nhân lịch sử, vừa là Đức Thánh Trần, nên người ta thắp nhang.

Nếu đã thắp nhang tại lư hương thì coi như đó là tượng thờ. Vì không phân biệt rạch ròi nên người ta có những ứng xử không đúng. Khi dời lư hương đi tức người ta đã thay đổi một tập quán thì rất khó. Còn theo thông thường, nếu phân biệt rạch ròi, tượng Trần Hưng Đạo nhìn ra Bến Bạch Đằng ở quận 1 chỉ là tượng đài, không phải là tượng thờ. Chỉ những bức tượng trước Đền Đức Thánh Trần thì mới nên thắp nhang.

‘Phó thường dân’ Nguyễn Văn Sơn: “Đừng vì sợ người dân biểu tình mà mang đi cất lư hương ở tượng Đức Thánh Trần”.

Có lẽ nên đi thẳng vào địa chỉ của câu chuyện, đó là cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Nếu không có ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân, tin chắc chẳng ai dám ‘giải tỏa’ cái lư hương ở tượng đài Đức Thánh Trần.

Ông Nguyễn Thiện Nhân lo sợ các nhân sĩ đến trước tượng đài Đức Thánh Trần để thắp nhang tưởng niệm tiền nhân, hồn thiêng sông núi, rồi sau đó có thể đưa đến những cuộc biểu tình như từng diễn ra trong quá khứ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân là một đảng viên khoa bảng, từng là giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, từng là Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ TP.HCM, từng là phó Chủ tịch UBND TP.HCM, từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng là Phó Thủ tướng.

Tiếc là với vô số chức danh “từng là” đó, ông Nguyễn Thiện Nhân lại hạ tiện đến mức ‘cưỡng chế’ lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần, vì sợ hãi “đám đông nhân sĩ tụ tập”.

Và nếu gác qua lăng kính chính trị, câu chuyện chiếc lư hương ở đây không thể so với hàng cây cổ thụ hay tòa nhà làm “vướng chân” dự án nào đó. Tại sao không chọn cách tu bổ lại vị trí đặt lư hương để nơi này trang trọng, nghiêm cẩn hơn, khi nó đã thuộc về niềm kính ngưỡng tốt đẹp của các thế hệ người dân Sài Gòn?


Tin bài liên quan:

VNTB – Gượng chút oxy cho một góc nhỏ Sài Gòn kiệt sức

Phan Thanh Hung

VNTB – Bến Tre không phải Thụy Sĩ

Phan Thanh Hung

VNTB – Điểm tiêm vắc xin lớn nhất có nguy cơ thành ổ dịch lớn nhất?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.