Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao chủ tọa phiên tòa lại cản trở quyền của luật sư và quyền của bị cáo?

Hà Nguyên

(VNTB) – Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình.

Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 256. Nội quy phiên tòa, khoản 4 quy định: “Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép”.

“Chúng tôi nghiêm túc và cấp thiết đề nghị Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam và Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn cấp thời ra văn bản lên tiếng yêu cầu toà án nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc và tức thời quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp và bình đẳng của luật sư, đảm bảo các luật sư bào chữa được tiếp xúc với các thân chủ bị cáo theo quy định pháp luật, nhằm tránh các hệ lụy pháp lý nguy hại khó lường” – luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM), kiến nghị.

Theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thì thay vì chỉ tranh tụng với viện kiểm sát, nhiều vụ án các luật sư phải tranh biện với chủ tọa phiên tòa. “Chuyện chỉ có ở Việt Nam thôi!” – luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kết luận.

Những bức xúc kể trên của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc là về diễn biến ở phiên khai mạc xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm tại tòa án TP. Hà Nội. Bức xúc về chuyện vi phạm tố tụng công khai đó, có thể tóm tắt như sau:

Khi luật sư Đặng Đình Mạnh đề nghị hội đồng xét xử cho các luật sư tiếp xúc với thân chủ tại phiên tòa, nhưng chủ tọa không đồng ý với lý do vì các luật sư đã có nhiều thời gian tiếp xúc trước phiên tòa rồi nên không cần thiết phải tiếp xúc tại phiên tòa nữa. Luật sư Nguyễn Hà Luân đã phản đối quyết định của chủ tọa phiên tòa, vì quyết định này là vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng về quyền tiếp xúc thân chủ của luật sư tại phiên tòa. Sau đó, luật sư Lê Văn Hòa và các luật sư khác xin phát biểu tiếp nhưng chủ tọa phiên tòa kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần xét hỏi.

Thắc mắc đặt ra: Vì sao chủ tọa phiên tòa lại cản trở quyền của luật sư và quyền của bị cáo?

Dường như không khó để tìm câu trả lời: Vì sự yếm thế trong tâm lý của thẩm phán được phân công ngồi ghế chủ tọa phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.

Trước đó, vào ngày 3-9-2020, một lá đơn kiến nghị trước ngày xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (sau đây gọi tắt là vụ án Đồng Tâm), nhóm luật sư cho biết hàng loạt biểu hiện vi phạm tố tụng; và có lẽ chính những điều đó nên diễn tiến tại phiên khai mạc vụ án Đồng Tâm là ‘một đồng bộ’ cho dấu hiệu về ‘bản án bỏ túi’ đối với 29 bị cáo.

Lá đơn kiến nghị đề ngày 3-9-2020, có một số nội dung như sau (trích):

Trong giai đoạn điều tra: Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội liên tục gây khó dễ cho các luật sư: Chậm trễ trong việc cấp Thông báo bào chữa cho một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị can được gia đình mời, bao gồm: luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Lê Văn Hoà…; Không cho luật sư được tiếp xúc riêng với thân chủ trong trại tạm giam dù vụ án này không liên quan tới an ninh quốc gia, hoặc là trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật; Không cho luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra mặc dù các luật sư có đề nghị nhiều lần.

Trong giai đoạn truy tố: Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội không cho các luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án để đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mặc dù các luật sư cũng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu. Một số luật sư gửi các văn bản khiếu nại hoặc yêu cầu gặp lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội nhưng tất cả đều không được giải quyết.

Trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử: Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng rất chậm trễ trong việc cho các luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, phản ảnh của các luật sư và sự can thiệp của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì yêu cầu này mới được chấp thuận.

Mặc dù vậy, trong hồ sơ vụ án có 02 USB lưu giữ một số clip, hình ảnh sự việc diễn ra vào ngày 09-01-2020, Thư ký toà không cho luật sư copy dữ liệu này. Cho đến nay, chỉ còn 03 ngày nữa vụ án được đưa ra xét xử nhưng các luật sư vẫn chưa được copy để nghiên cứu mặc dù đã nhiều lần đề nghị…”.

Nếu nhìn toàn bộ sự việc nêu trên ở vụ án Đồng Tâm qua lăng kính của một thuyết âm mưu, thì rất có thể ông Tổng bí thư – Chủ tịch Nước đang đứng trước một đe dọa của lật đổ thể chế. Bởi về mặt lý luận, ai cũng hiểu rất rõ rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa khi được xác lập như một hiện thực, một trạng thái xã hội, có sức mạnh như một lực lượng vật chất trực tiếp góp phần thiết lập trật tự kỷ cương, thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhưng pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại một cách tự thân, mà là sản phẩm của một xã hội – tạo dựa trên những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết cho sự ra đời. Với diễn biến vụ án Đồng Tâm qua các giai đoạn tố tụng, cho thấy dường như cụm từ “pháp chế xã hội chủ nghĩa” chỉ dừng là một mỹ từ trang điểm cho lời hay ý đẹp trong nghị quyết Đảng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bỗng nghe vần “THẮNG” vút lên cao*

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân chủ và quyền tự chủ của doanh nghiệp?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả lời: Người dân không thể bảo vệ mình bằng pháp luật thì phải làm thế nào? 

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo