Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao chúng ta lại quên mất truyền thống

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Không có sự kết nối giữa các thế hệ thì tất nhiên là các phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp sẽ không thể lưu truyền.

 

Mạng xã hội đang lan truyền nhiều hình ảnh về một đám cưới theo phong cách Nam Bộ xưa ở Bến Tre. Hàng ngàn bình luận ca ngợi cặp vợ chồng mới cười này đã rất chịu khó tìm hiểu truyền thống ông bà. Có nhiều người còn tỏ ra bất ngờ vì lần đầu tiên thấy được đám cưới mà cô dâu, chú rể và quan viên hai họ đều mặc áo dài truyền thống như vậy. Báo chí thì dùng từ “gây sốt” để nói về hôn lễ của họ.

Đám cưới này là của anh Trần Hữu Phú (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Trang (22 tuổi) được tổ chức tại huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) vào ngày 21/7. Anh Hữu Phú cho biết: “Từ lời kể của ông nội, cùng sự đam mê văn hóa truyền thống, tôi ấp ủ dự định tổ chức đám cưới giống như đám cưới hồi xưa. May mắn là vợ và gia đình hai bên đều ủng hộ ý tưởng này của tôi”. (1)

 

 

Trường hợp chịu tìm hiểu và khôi phục văn hóa truyền thống của ông bà như đôi vợ chồng trẻ này là vô cùng hiếm gặp trong xã hội Việt Nam hiện nay. Chưa cần nói tới các phong tục truyền thống, chỉ nói riêng về đám cưới thôi thì việc tổ chức đám cưới bây giờ hầu như là theo “phong cách công nghiệp” nhằm thu lợi từ tiền phong bì. Biến một ngày lễ trọng đại trong đời người thành một ngày kiếm tiền “lấy vốn làm ăn”.

Các trung tâm tiệc cưới mọc lên khắp nơi, cung cấp các gói dịch vụ từ A đến Z, biến đám cưới thành một chuỗi sự kiện được lập trình sẵn, thiếu sự độc đáo và cá nhân hóa. Từ việc chọn địa điểm, thực đơn, trang trí, đến việc thuê người dẫn chương trình, tất cả đều được thực hiện theo một mô hình công nghiệp, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho đôi tân hôn và gia đình.

Đi đám cưới bây giờ không còn thấy sự ấm cúng, gần gũi và ý nghĩa đặc biệt của ngày cưới nữa. Những nét đẹp truyền thống như nghi thức dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới tại gia đình, những phong tục dân gian, và những món ăn truyền thống dần bị lãng quên, thay vào đó là các tiết mục hát karaoke um sùm và thực đơn thì đám nào cũng như đám nấy.

 

Trong thời đại số hóa này, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại. Nhưng thực tế là nhiều người trẻ lại thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu và giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương. Họ ít tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội dân gian, và ít tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của quê hương. Thay vào đó, thời gian và sự chú ý của họ thường bị cuốn hút bởi các xu hướng giải trí hiện đại, các trào lưu trên mạng xã hội và các sản phẩm công nghệ mới.

Tuy nhiên nếu đổ lỗi hết cho người trẻ thì không đúng. Sự thiếu quan tâm của người già đối với truyền thống cũng dẫn đến nguy cơ làm mất đi nét đẹp văn hóa lâu đời. Trong xã hội có nhiều biến động chính trị và nhiều thay đổi liên tục trong chính sách của nhà cầm quyền như Việt Nam thì người già chính là những người từng trải và nắm rõ các tục lệ, văn hóa truyền thống bản địa nhất, chứ không phải chỉ căn cứ vào kiến thức trên sách vở hay trên internet. Nhưng vấn đề là thời gian qua người lớn tuổi lại không coi trọng việc truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức văn hóa cho con cháu.

Già không kể, trẻ không hỏi, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn do lối sống và quan niệm khác nhau… Người già không có cơ hội hoặc không muốn truyền đạt những kinh nghiệm và kiến thức văn hóa cho con cháu, trong khi thế hệ trẻ lại không đủ kiên nhẫn hoặc quan tâm để lắng nghe và học hỏi. Không có sự kết nối giữa các thế hệ thì tất nhiên là các phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp sẽ không thể lưu truyền.

 

Nhưng đáng nói nhất vẫn là các chính sách của nhà cầm quyền. Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam đã trải qua những thay đổi sâu rộng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những thay đổi này không chỉ tác động đến kinh tế, chính trị mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa và lối sống của người dân.

Nhà nước không coi trọng việc bảo tồn phong tục truyền thống. Không có biện pháp hay chính sách rõ ràng để giữ gìn nét đẹp văn hóa mà chỉ vẽ dự án, tìm mọi cách để kiếm tiền thì những cố gắng nhỏ lẻ từ phía người dân cũng không thể chống đỡ được làn sống tha hóa. Khi mà Nhà nước chỉ tập trung kinh doanh, kiếm tiền bằng mọi giá, từ phân lô bán nền tới mua quan bán chức; thì người dân cũng sẽ phải bất chấp đạo đức, phong tục truyền thống mà chạy theo đồng tiền để có thể tồn tại dưới chế độ này.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://dantri.com.vn/doi-song/dam-cuoi-theo-phong-cach-nam-bo-xua-o-ben-tre-gay-sot-20240724211421340.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị bắt

Do Van Tien

VNTB – Giấc mơ Mỹ đã gần hơn với người Việt tị nạn tại Thái Lan

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Yêu nước nhưng sao vẫn trốn nghĩa vụ quân sự

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 01.08.2024 8:39 at 08:39

“Nhưng đáng nói nhất vẫn là các chính sách của nhà cầm quyền”

Rất đúng . Truyền thống văn hóa cách mạng đang bị Đổi Mới làm cho mai một . Đảng cần có chính sách phát triển chiện này

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo