Chu Hồng Quý
(VNTB) – Google đầu tư xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Malaysia và Thái Lan ngay sau cuộc gặp giữa Đại diện Google với Chủ tịch Tô Lâm tại New York.
Trong chuyến đi Mỹ vừa qua, nỗ lực “kéo đám mây điện toán về Việt Nam” đã không thành công. Đây không phải là thất bại ngoại giao của Tổng bí thư Tô Lâm trong vai trò Chủ tịch Nước tại chuyến công du Hoa Kỳ, mà là thất bại của chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ trong chiến lược thu hút đầu tư chất lượng cao.
Thailand đang trên đường trở thành “trung tâm đám mây” của Đông Nam Á. Google vừa công bố đầu tư 1 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu và hạ tầng đám mây (cloud infrastructure) tại Thailand. Trước đó vào tháng 5, Microsoft thông báo sẽ khai trương trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Đông Nam Á, đặt ở Thailand, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy dịch vụ đám mây. Khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD, bằng với mức đầu tư của Google lần này công bố.
Không chỉ có các ông lớn đến từ Hoa Kỳ, Thailand cũng là điểm đến của các công ty Trung Quốc. BangkokPost đưa tin, Huawei Cloud đã chọn Thailand là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc để thành lập một Trung tâm dữ liệu khu vực, với ba trung tâm dữ liệu có sẵn nhằm hỗ trợ thị trường khu vực. Huawei đã đầu tư 5,5 tỷ baht (gần 150 triệu USD) kể từ năm 2018 nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây tại nước này.
Trong đợt này, Google còn công bố kế hoạch rót 2 tỷ USD vào dịch vụ đám mây tại Malaysia, cho thấy sự quan tâm đối với thị trường Đông Nam Á. Cách đây khoảng chừng một tháng, nhiều hãng thông tấn có uy tín trên thế giới đã loan tin rằng, hãng công nghệ khổng lồ Google “cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam”. Tuy nhiên, đến nay điều đó đã không thành sự thật ngay sau cuộc gặp với Đại diện Google của Chủ tịch Tô Lâm tại New York.
Trở lại với Thailand, chính sách ưu tiên đám mây (cloud-first) là một trong bảy trụ cột của “Tầm nhìn thắp sáng” của nước này, nhằm mục đích đưa Thailand thành trung tâm kinh tế số của khu vực.
Trong hai ngày 1-2/10/2024, Google liên tục công bố đầu tư 03 tỉ USD để đầu tư vào các trung tâm dữ liệu ở Malaysia và Thailand. Cụ thể khoản đầu tư 2 tỉ USD của Google vào Malaysia sẽ tạo ra gần 27 ngàn việc làm và đóng góp cho Malaysia 3 tỉ USD từ nay đến năm 2030. Khoản đầu tư 1 tỉ USD của Google vào Thailand sẽ tạo ra 14 ngàn việc làm.
Tại sao chọn Thailand chứ không phải Việt Nam?
Theo nhiều đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với chất lượng nguồn nhân lực của Malaysia và Thailand. Nhân lực Việt Nam đông nhưng không tinh nhuệ. Trong khi nhân lực Malaysia và Thailand số lượng ít hơn nhưng có kỹ năng cao.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Intel cũng tuyên bố hủy kế hoạch đầu tư một nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Lý do họ đưa ra là do nguồn điện năng ở Việt Nam không ổn định (thích cắt điện là cúp), nhưng qua mồm Bộ trưởng Bộ KHĐT Việt Nam là họ hủy kế hoạch đầu tư “do Việt Nam thiếu điện”
Chính phủ Thailand có chính sách hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư, có nguồn nhân lực chất lượng cao, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật cũng như môi trường kinh tế và chính trị ổn định, các chính sách vĩ mô không thể thay đổi thường xuyên một cách tùy tiện như Việt Nam – Đó là những lợi thế tương đối của họ so với Việt Nam.
Thailand thường xuyên xảy ra biểu tình và thay đổi chính phủ liên tục, nhưng đó là sự vận động trong ổn định theo đúng quy luật chọn lọc để tối ưu hóa nguồn lực con người, mọi chính phủ mới lên đều hoạt động trên những nguyên tắc nhất định. Không như Việt Nam, “tân quan tân chính sách”, thậm chí ngay trong một nhiệm kỳ cũng có thể tùy tiện thay đổi chính sách mà không ai có thể dự báo được, và ngay cùng thực thi một chính sách thì mỗi cơ quan cũng có cách hiểu và cách triển khai thực hiện khác nhau theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam chọn khâu sản xuất, gia công lắp ráp mà bỏ qua hai khâu đầu và cuối là nghiên cứu ứng dụng triển khai và khâu phân phối để quyết định sản xuất cái gì và bán cho ai. Trong đầu tư thì vơ lấy các dự án khai thác tài nguyên và các ngành nghề thủ công sử dụng lao động chân tay mà để vuột mất nhiều cơ hội phát triển công nghệ cao.
Giấc mơ lót tổ đại bàng đã không thành hiện thực khi chỉ toàn ổ rắn của doanh nghiệp Tàu sản xuất công nghiệp bằng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhờ người Việt đứng tên để sở hữu đất đai ở các khu vực nhạy cảm, đưa lao động phổ thông người Trung Quốc có tay nghề thấp vào Việt Nam bất hợp pháp, lấy vợ sinh con và lập làng người Hoa gây mất ổn định xã hội.
Chính phủ ta thật tài tình sáng suốt, cơm không ăn mà chọn…
______________________
Nguồn: Facebook Chu Hồng Quý