Bài 2: Đừng mị dân nữa!
“Nhân Văn Giai Phẩm” thời nay?
(VNTB) – GS Hoàng Như Mai hay kể với sinh viên câu chuyện về “lá cờ Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) phất phới sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội” thời thầy giảng dạy ở đây. Thầy được Đảng xếp vào danh sách “NVGP”. Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ý tứ của thầy qua “lá cờ NVGP”, sinh viên nghe qua rồi… quên mất, chẳng chút suy tư.
Từ chuyến đi sứ của ông Lê Hồng Anh – một thế thân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sang Trung Quốc, cho thấy rất có khả năng thời gian tới tổ chức HNBĐLVN sẽ bị đàn áp như NVGP của thập niên cuối 50 ở thế kỷ trước, cũng với lý do muốn “thoát Trung”.
Vụ án NVGP bắt đầu khi Trần Dần, một tác giả quân đội đồng thời là đảng viên, đã viết cuốn sách phóng sự về trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng 2-1955. Các nhân vật trong tác phẩm không phải là những hình mẫu anh hùng chủ nghĩa xã hội mà đảng đã ra lệnh phải theo.
Sau đó, Trần Dần đã tập hợp một nhóm các nhà trí thức có cùng tư tưởng trong nội bộ quân đội. Mục tiêu của họ là thuyết phục các lãnh đạo đảng trả lại cho họ sự tự do sáng tác. Họ mong muốn đòi lại sự tự do không chỉ từ các nhân viên kiểm duyệt quân đội, mà còn từ các viên chính ủy của đảng.
Giới trí thức bắt đầu xuất bản tạp chí riêng. Vào ngày 15-9-1956, tạp chí Nhân Văn độc lập đã được cấp phép xuất bản. Phan Khôi biên tập. Nhân Văn xuất bản năm số, từ 20-9 đến 20-11 năm 1956. Trước đó, tạp chí Giai Phẩm ra đời vào tháng 3-1956.
Để thúc đẩy tạo dựng nên xã hội mang tính pháp trị hơn, giới trí thức đã kêu gọi chỉnh sửa Hiến pháp, yêu cầu đảng trao tự do cho quốc hội, và mong muốn một nhánh tư pháp được độc lập. Nhiều tướng lĩnh quân đội cũng chia sẻ khi cảm thấy lo lắng về sự quỵ lụy một cách mù quáng đối với các mô hình và học thuyết Trung Quốc.
Tạp chí Nhân Văn bị đóng cửa vào tháng 11-1956 sau một cuộc đình công có tổ chức của công nhân xưởng in, trước khi số báo thứ sáu được xuất bản. Tạp chí Giai Phẩm cũng bị đóng cửa chỉ sau khi phát hành bốn số (tháng 3, tháng 8, tháng 10, tháng 12-1956).
Các nhà xuất bản của cả hai tờ báo đều bị bắt. Phan Khôi qua đời tại Hà Nội vào đầu năm 1960, chỉ vài ngày trước khi ông bị triệu tập xét xử vì tội “đi chệch đường lối”. Các nhà lãnh đạo khác bị cáo buộc là đã “âm mưu kích động quần chúng thực hiện những cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lật đổ chế độ dân chủ nhân dân và sự lãnh đạo của đảng”.
“Cái đầu” của lãnh đạo
Giả dụ tiếp tục chấp nhận nguyên tắc “Đảng là lãnh đạo tối cao”, cũng cần thấy rằng trong mỗi giai đoạn lịch sử, một đảng dẫu vị thế độc quyền, vẫn phải hiểu hôm nay mình đang đứng ở đâu, và sẽ đứng như thế nào để không bị… té ngã, không còn bị “dân hết tin Đảng” như lo sợ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Theo quan điểm ở Đại hội VI của Đảng về “Nhìn thẳng vào sự thật”, thực trạng đất nước hiện nay là tư duy kinh tế chính trị không theo kịp nhu cầu nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức. Nhiều quan điểm như: Phát triển bền vững, Nhà nước pháp quyền, tư vấn và phản biện… vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Nếu nhìn thẳng vào sự thật, có thể chia sẻ rằng giai đoạn từ 1976-1986, đặc điểm tư duy về kinh tế và chính trị là “làm mà không biết” do duy ý chí chủ quan, không tôn trọng quy luật khách quan.
Giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay, đặc điểm tư duy lãnh đạo, quản lý là “làm rồi mới biết” khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chủ yếu dựa vào tổng kết kinh nghiệm đã qua để sửa chữa nên khó thể chủ động, sáng tạo trước biến đổi nhanh của thực tiễn mọi mặt trong nước và thế giới.
Giai đoạn từ 2011 trở đi, trước bước ngoặt của phát triển mô hình mới, chắc chắn sẽ là và phải là tư duy “biết rồi mới làm”. Đây là giai đoạn kinh tế tri thức giữ vai trò chủ đạo trong mọi thay đổi, vừa tạo ra cơ hội lớn cho con đường phát triển rút ngắn của nước đi sau, vừa là thách thức rất lớn cho đổi mới.
Như vậy, ở đây đòi hỏi người đứng đầu Đảng, cần hiểu rõ tư duy dựa trên “biết rồi mới làm”, thì mới hy vọng lấy lại niềm tin của nhân dân.
Đừng mị dân nữa!
Đảng vẫn hay nói mình chịu sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên giám sát phải có đủ cả ba quyền: quyền thông tin; quyền kiểm tra; quyền xử lý sai phạm. Với chế định giám sát của nhân dân, nếu thiếu đi một trong ba quyền đã nêu, đặc biệt nếu không có quyền kiểm tra và quyền xử lý sai phạm, thì hoạt động giám sát chỉ mang tính dân chủ hình thức.
Kênh truyền thông của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cùng những tổ chức xã hội dân sự khác, chính là địa chỉ tốt nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam tìm đến cho ghi nhận đầy đủ về sự thương yêu lẫn ghét bỏ của người dân về một Đảng độc quyền cầm quyền.
Tiếp tục công khai và thách thức bịt miệng người dân như phiên tòa xét xử “hai xe – ba hàng”nhóm Bùi Thị Minh Hằng vừa qua của tỉnh Đồng Tháp, cho thấy đang tiếp tục vết đổ sai lầm khi bịt miệng báo chí như thời Nhân Văn – Giai Phẩm.
Tất cả những động thái này càng khiến thể chế chính trị độc đảng cầm quyền sẽ ngày càng bị nhân dân cạn hẳn chút niềm tin ít ỏi còn sót lại.
Nguyễn Cao
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.