Thới Bình
(VNTB) – Việc “học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết” của đảng viên là nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng.
Một trong những lý do đưa đến học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết Đảng, được xuất phát từ việc vào năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ chí Minh đã nhấn mạnh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
Với người ‘ngoài Đảng’, ít ai biết rằng nếu đảng viên nào từ chối tham gia học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết Đảng thì người ấy sẽ bị đánh giá là đang có một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thậm chí ngay cả khi đến nơi tập trung nhưng lơ là, ngán ngại học tập nghị quyết, học tập lý luận chính trị, có tư tưởng học lý luận chính trị chỉ để “hợp thức hóa” nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, cũng có thể bị cho là đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hiện tượng này có hai vế, đó là “lơ là, ngán ngại học tập nghị quyết” và “lơ là, ngán ngại học tập lý luận chính trị”.
Khi bị cáo buộc đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết Đảng, có một số biểu hiện cụ thể được liệt kê cụ thể như sau: (1) Không có hứng thú, nhu cầu với việc học nghị quyết, chỉ xem đó là việc buộc phải làm nên dự lớp với thái độ miễn cưỡng; (2) Có tham dự lớp nhưng không nắm được kế hoạch của lớp, không đọc trước tài liệu…; (3) Trên lớp nghe trình bày nhưng không ghi chép, làm việc riêng trong lúc học, kể cả đọc báo, sử dụng điện thoại, máy tính bảng…;
(4) Không tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến nội dung được truyền đạt, để hiểu rõ hơn vấn đề hoặc phản biện ý kiến chưa xác đáng của báo cáo viên; (5) Bỏ học nửa chừng, nhất là sau khi đã thực hiện việc “điểm danh”;
(6) Ít lắng nghe, nhưng hay phê phán nội dung nghị quyết, chương trình hành động hoặc cách trình bày của báo cáo viên; (7) Không có ý kiến phát biểu trong buổi thảo luận hoặc phát biểu cho có (nếu chương trình học có tổ chức thảo luận); (8) Không viết hoặc viết chiếu lệ, sao chép bài thu hoạch sau lớp học (nếu chương trình học có tổ chức viết thu hoạch); (9) Không thể trình bày lại một cách khái quát những nội dung quan trọng, cốt lõi, tâm đắc của nghị quyết…
Đứng về mặt quản trị quốc gia, tin tức như lượt thuật sau đây cho thấy đang có dấu hiệu của Đảng đang lạm dụng thời gian hành chính của bộ máy công quyền để phục vụ cho lợi ích riêng tư của Đảng:
“Hội nghị nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến giờ của Đảng được tổ chức sáng 27-3, với quy mô có thể tới 1 triệu đảng viên tham dự.
1 triệu đảng viên ấy, bao gồm tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hànhTrung ương, cấp ủy viên từ tỉnh xuống huyện, xã. Đây sẽ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Dưới hình thức truyến, đảng viên trên mọi miền Tổ quốc có cơ hội kết nối trực tiếp với Phòng họp Diên Hồng, nằm trong trung tâm Tòa nhà Quốc hội, số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội.
Theo chương trình, từ Diên Hồng – nơi những ngày qua đang diễn ra kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên sẽ trực tiếp giới thiệu tới đảng viên trên cả nước những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XIII…”.
Hai ngày được gọi là “nghỉ cuối tuần” được dành cho Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Coi như có 1 triệu đảng viên đã không được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe sau 5 ngày làm việc hành chánh.
Kéo theo đó là lực lượng hậu cần, bảo vệ, tài xế… đã phải làm việc suốt 7 ngày trong tuần. Pháp luật về lao động đã bị vi phạm nghiêm trọng. Và đương nhiên, ngân khố quốc gia cũng phải tốn bộn bạc cho xuất chi kinh phí phục vụ mấy ngày học nghị quyết Đảng…