Kiều Phong
(VNTB) – Ai đã gửi ảnh Formosa chiêu đãi đoàn binh cảnh sát cơ động, nếu không phải là một cảnh sát cơ động đã nhận thức được mối nguy với đất nước? Ai đã gửi tâm thư cho Người Buôn Gió, nếu không phải là một cảnh sát cơ động ở Quỳnh Lưu nhận thức được bản chất của những kẻ sai bảo mình?
Chơ vơ bảo vệ Formosa!
Bộ chính trị và chính sách nuôi chim ưng
Trên bầu trời những thảo nguyên bát ngát ở Mông Cổ, có một loài chim ưng ăn thịt đã được thuần hoá. Có duy nhất một tộc người giao tiếp được với loài chim ưng đó mà thôi. Những con chim ưng sau khi được tộc người này huấn luyện thì trở nên những sát thủ săn bắt thú vật. Chúng có thể bắt về cho chủ những con thỏ, những con chồn lớn hơn cả trọng lượng của mình. Chủ của những con chim ưng chờ chúng mang thú săn được về, nhưng chỉ cho chúng ăn một miếng thịt rất nhỏ. Những người nuôi chim ưng không bao giờ cho chim ưng ăn no, bởi chim ăn no thì chim sẽ bỏ đi.
Cũng vậy, các nước độc tài nhóm chủ dùng cách này để đối xử với những cảnh sát cơ động. Họ cấp cho cảnh sát cơ động quần áo đẹp, giày dép đẹp, rồi cho vài danh hiệu để những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi nghĩ rằng mình quan trọng với đời. Họ xua cảnh sát cơ động đi cưỡng chế đất, đàn áp dân oan, khi đi về thì cũng tổ chức khen thưởng y như thật. Bộ chính trị không bao giờ phát lương để cho cảnh sát cơ động giàu, vì nếu những cảnh sát cơ động này giàu thì cũng như con chim ưng, chúng sẽ bỏ chủ khi có thể. Chính sách nuôi chim ưng tưởng chừng chỉ có ở miền thảo nguyên phương Bắc hoang dã, ấy vậy mà vẫn được áp dụng với người ở Việt Nam ngày nay.
Bất mãn
Những người dân oan và hết thảy những người biểu tình đòi quyền dân sinh thù ghét những anh cảnh sát cơ động. Đó là tâm lý dễ hiểu. “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai” ( trích truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao). Công bằng mà nói, cảnh sát cơ động cũng là những người dân oan, thậm chí là những dân oan sâu sắc nhất.
Thứ nhất, cảnh sát cơ động không được thăng quan. Bộ Chính trị và Bộ Công an của chính phủ Hà Nội thích tuyển những thanh niên cao to, không nghề nghiệp và thất bại trong việc học hành. Theo quy chế hiện nay của bộ Công an, không có bằng đại học thì phải đi làm lính đánh suốt đời. Cho dù một anh cảnh sát cơ động có tham gia đàn áp hang trăm vụ, đánh hàng nghìn người dân thì anh ta cũng không được sếp cho lên chức, bởi anh ta không có bằng cấp. Cuộc đời anh ta rất trì trệ. Đây là nói về số phận chung của cảnh sát cơ động, trường hợp ngoại lệ thì rất nhỏ và không đáng kể. Chính vì sự trì trệ này mà biết bao nhiêu cảnh sát cơ động tuổi xế chiều xin về làm công an khu vực phường xã, hoặc trong vai những xe ôm tự quản. Thực tế nghiệt ngã này cảnh sát cơ động đều biết, nhiều người nhậu nhẹt để quên đi, nhưng về đêm có người vắt tay lên trán suy nghĩ.
Thứ hai, lương của cảnh sát cơ động rất thấp, lại phải trả lãi món vay ngân hàng. Do đó, họ phải làm con nợ suốt đời trai trẻ, bị sai gì cũng phải nghe và làm theo. Bao nhiêu tinh lực tuổi thanh xuân bị ép buộc để cầm gậy đánh người, hơn ai hết lính cơ động không thể vui trong lòng. Ngày nay, khi hết thảy nhân sinh nhân loại đã tiến hoạ, giơ cái gậy lên nện xuống đầu sọ một người không dễ dàng như trước nữa. Đi đánh suốt ngày như vậy mà lương chỉ có 3 triệu, đó chính là dân oan, chính xác hơn là công nhân bán rẻ sức lao động.
Tuồn tin ra ngoài
Thời gian gần đây, liên tiếp các ký giả tự do, nhất là các toà soạn xuyên quốc gia nhận được tin tức từ những người được cho là cảnh sát cơ động người Việt trong nước. Không hẳn là vì lính cơ động thương dân, chủ yếu là vì họ đã quá bất mãn với sếp.
Khi đã bất mãn rồi, con người trở nên cực kỳ bất trắc. Cảnh sát cơ động hơn ai hết là những người chăm chỉ lướt facebook và Youtube, họ quan sát kỹ các nhà bất đồng chính kiến để xem ông nào là thật, ông nào là giả. Cảnh sát cơ động rất nhanh nhạy, họ biết cách lập những tài khoản Facebook và Gmail giả, cũng đã học được cách gửi tin nhắn bí mật (secret chat) trong Facebook và Whatsapp. Khi đã quan sát kỹ một nhà báo tự do và yên tâm về người đó, họ gửi ảnh, video và tin tức đến cho người đó. Ai đã gửi ảnh Formosa chiêu đãi đoàn binh cảnh sát cơ động, nếu không phải là một cảnh sát cơ động đã nhận thức được mối nguy với đất nước? Ai đã gửi tâm thư cho Người Buôn Gió, nếu không phải là một cảnh sát cơ động ở Quỳnh Lưu nhận thức được bản chất của những kẻ sai bảo mình?
Hàng trăm cảnh sát cơ động ngày đêm túc trực trong Formosa để phòng dân Hà Tĩnh tiếp tục tới biểu tình trong khi Hà Tĩnh đang khốn đốn vì lụt, không ai lo.
Giống như hiệu ứng Domino, khi danh tính của một ông sếp cơ động bị tuồn ra cho giới đấu tranh nhân quyền và truyền thong lề dân, danh tính của những ông sếp liên quan khác cũng đều tuồn ra. Đến lượt mình, những ông sếp này cũng tìm cách thanh minh rằng mình cũng chỉ làm theo lệnh, với các tổ chức độc lập, một cách bí mật. Còn khi gặp lính, họ vẫn doạ lính rằng “các đồng chí phải hết lòng bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, còn khi chế độ bị sụp đổ thì chắc chắn các đồng chí sẽ bị dìm trong biển máu! (1) ” Đây lại làm một câu nói dối kinh điển. Anh không thực lòng muốn bảo vệ chế độ thì làm sao dạy cho lính vâng lời liều chết vì chế độ được. Hơn nữa, lần cách mạng tới đây dân Việt Nam sẽ không nghe xúi dại mà đi khủng bố hàng loạt nữa. Bởi dân biết cảnh sát cơ động có tàn nhẫn cũng là dân oan, cũng là từ dân mà ra chứ đâu phải từ trên trời rơi xuống.
Nói dối người lính cũng không dễ như trước nữa, càng về sau càng phải nghĩ ra cách nói dối tinh vi hơn. Không gì đau khổ bằng việc đệ tử của mình không phục mình. Bộ Chính trị và Bộ Công an, dù có bao nhiêu súng đạn đi chăng nữa, cũng đành bất lực nhìn lính cơ động tuồn tin ra ngoài cho giới đấu tranh. Vậy chẳng lẽ lời của một anh trùm công an- uỷ viên Bộ chính trị năm nào là đúng?- “Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược.”(2)
(1) Trích tâm thư của người lính cơ động gửi nhà báo tự do Người Buôn Gió- Bùi Thanh Hiếu.
(2) Lời phát biểu của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi không thể đàn áp nổi phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền của nhân dân.