Hoài Nguyễn
(VNTB) – Giữa lúc thị trường đang cần có một sản phẩm xét nghiệm tìm virus Covid, vậy thì vì sao lại phải hối lộ khi tiêu thụ?
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.
Lập luận từ phía buộc tội thì để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, buộc Phan Quốc Việt phải dùng tiền để ‘bôi trơn’, qua đó tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống. Theo cáo trạng thì Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.
Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước.
Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra.
Nếu nội dung cáo buộc trên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đúng thì có thể hiểu một cách nôm na là trong vụ án này đã có thỏa thuận ngầm của “quyền tác giả” giữa một bên là Học viện Quân y – đơn vị nghiên cứu, và Công ty Việt Á – doanh nghiệp giữ vai trò thương mại hóa kết quả nghiên cứu ấy. Những khoản tiền ‘bôi trơn’ ở đây được hiểu là thói quen lâu nay trong giao kết làm ăn.
Theo cách hiểu thông thường thuần về cung cầu thì một khi thị trường đang cần đến sản phẩm cụ thể nào đó, nhưng lại không có nhiều sự lựa chọn thì người ta buộc phải chấp nhận mua sản phẩm với giá mà phía nhà sản xuất đưa ra mà không thể ‘thỏa thuận’ hay ‘đấu giá’.
Ở chiều ngược lại, phía nhà sản xuất không vì thế mà được phép nâng giá bán vô tội vạ, mà phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, phiên bản 2018.
So phiên bản năm 2004 thì ở phiên bản 2018, Luật Cạnh tranh có cách tiếp cận đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã có quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, Luật quảng cáo…, quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.
Như vậy với cách hiểu đơn giản trên thì trong vụ bộ kit xét nghiệm Covid ở vụ án nêu trên có dấu hiệu của vi phạm pháp luật chuyên ngành trong Luật sở hữu trí tuệ, khi mà nói như một chia sẻ mới đây của bà Cao Thị Bảo Vân: “Hồi Covid mới nổ ra ở Trung quốc thì WHO và CDC đã gửi ngay protocol xét nghiệm miễn phí trên mạng, để các nước kịp làm theo chống dịch. Nhớ hồi đó WHO lấy công thức của Đức, còn CDC Mỹ thì công thức hơi khác chút. Giờ nói vợ Phạm Quốc Việt phát minh! Vậy có đăng ký được bản quyền không?
Muốn làm ra phương pháp xét nghiệm mới thì tiên quyết phải giải mã toàn bộ gen của con virus gây bệnh. Việt Nam khi ấy có vài ba mẫu, bảo quản như vàng, nguồn kiếm kinh phí mà, nội bộ xin còn không nổi. Hồi đó em và lab Sinh học phân tử chủ chốt của Viện Pasteur, làm đơn xin chỉ 1 mẫu để nghiên cứu, mà đồng chí Viện trưởng hồi đó rất nghiêm, nhất định không cho. Nên em làm đơn xin nghỉ việc, ra khỏi Viện vào đầu dịch. Nghĩ lại cũng là may, chắc các cụ phù hộ…”.
Bà Cao Thị Bảo Vân nguyên là Phó Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn. Ý kiến trên bà nêu khi báo chí tường thuật theo nguồn cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương (vụ án được chia ra làm 2 vụ riêng xử theo cấp tòa quân sự về những nội dung liên quan đến Học viện Quân Y), cho rằng bà Hồ Thị Thanh Thủy, vợ ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Công ty Việt Á đã nghiên cứu các tài liệu của WHO và các nước khác để xây dựng quy trình sản xuất kit test Covid-19. Bộ kit test Covid-19 tiêu thị trên thị trường do Việt Á sản xuất là từ nghiên cứu của cá nhân bà Hồ Thị Thanh Thủy…
Tuy nhiên phía Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng công bố cáo trạng vụ án trên với tình tiết phủ nhận vai trò của bà Hồ Thị Thanh Thủy, xem chừng cũng có lý, vì việc có nguồn mẫu virus là điều mà ngay cả Viện Pasteur Sài Gòn hồi ấy cũng không đủ thẩm quyền để cung cấp theo yêu cầu nghiên cứu của chính viện này (!?).
Ngày 3-1-2024, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh cùng 36 người sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ Việt Á theo cáo trạng buộc tội của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội.
1 comment
Tác giả Hoài NguyễN nhắc người khác về chế độ của Việt Nam, nhưng chính mình lại (cố tình) quên . Có thể với mục đích làm mù dân trí