Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao tòa án ở Việt Nam vì sao vẫn chưa thể độc lập?

công lý

Thới Bình

 

(VNTB) –  Tòa án phải xét xử theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Làm thế nào để toà án thực sự độc lập? Làm sao độc lập trong xét xử? Chỉ hiệu quả khi tòa án độc lập xét xử… Những câu hỏi và hướng giải quyết đó tiếp tục là vấn đề bàn luận cho chủ đề cải cách tư pháp ở Việt Nam theo từng nhiệm kỳ của Đảng.

13 năm đã đi qua

Hội nghị chánh án các nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13 tổ chức vào tháng 11-2009 tại TP.HCM, khi ấy chánh án Tòa án nhân dân tối cao là ông Trương Hòa Bình. Từ tháng 4-2016, ông Trương Hòa Bình là Phó Thủ tướng thường trực đến cuối tháng 7-2021, và cho tới tận hôm nay khi ông Bình đã hưởng thú điền viên bên con cháu thì tòa án ở Việt Nam vẫn chưa thể độc lập trong xét xử.

Giở lại sổ tay phóng viên lúc tác nghiệp tại bốn ngày làm việc Hội nghị chánh án các nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13, thấy ghi ở phát biểu khai mạc hội nghị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết “hội nghị có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam vì việc cải cách tư pháp của Việt Nam đã lấy tòa án là vai trò trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm của công cuộc cải cách”.

Lúc phát biểu bế mạc hội nghị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đúc kết: “dù ở mô hình nào thì mục đích của việc phát triển hệ thống tòa án vẫn là đảm bảo tính độc lập, minh bạch trong xét xử, tính tự chịu trách nhiệm của thẩm phán, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với công lý và tính hiệu quả của hệ thống tư pháp”.

Tại buổi chiêu đãi các đại biểu dự Hội nghị chánh án các nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam đang thực hiện cuộc cải cách tư pháp mạnh mẽ, vì vậy được học tập những kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này là rất quý báu. Việc cải cách tư pháp của Việt Nam hướng tới mục đích làm ngành tư pháp ngày càng trong sạch, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Minh Triết kết thúc nhiệm kỳ của mình vào cuối tháng 7-2011. Cải cách tư pháp ở Việt Nam vẫn loay hoay quanh việc tuy hiểu rõ rằng chỉ hiệu quả khi tòa án độc lập xét xử, nhưng làm thế nào để được quyền độc lập xét xử thì vẫn là vô vọng khi tiếp tục có yêu cầu gọi là “các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, theo dõi, chỉ đạo”.

Độc lập của tòa án ‘phải’ ra sao và ‘không’ như thế nào?

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng; Phó Trưởng ban Thường trực là ông Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Một khi tòa án phải xét xử theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì khó thể nói là được quyền độc lập như cách hiểu phổ quát chung.

Cụ thể, các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của tòa án được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Milan từ ngày 26-8 đến 6-9-1985, sau đó được thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Hàng loạt yêu cầu mang tính dứt khoát của động từ “phải” và thán từ “không” được nêu ra ở văn bản trên: tính độc lập của tòa án phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong hiến pháp hay pháp luật quốc gia. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan của chính phủ và những cơ quan khác là phải tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của tòa án.

Tòa án phải quyết định các vấn đề một cách vô tư, không thiên vị dựa trên sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, những ảnh hưởng không phù hợp, dụ dỗ, sức ép, đe dọa hay can thiệp sai trái, trực tiếp hay gián tiếp từ bất cứ một nguồn nào hay vì bất cứ một lý do nào.

Tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề có tính chất xét xử và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vấn đề được trình lên tòa án có thuộc thẩm quyền của tòa theo như luật pháp quy định hay không.

Không được can thiệp không thỏa đáng hay không có lý do xác đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của tòa án. Nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm hay việc các cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ các bản án mà tòa án đã tuyên phù hợp với luật pháp.

Mọi người đều có quyền được xét xử bởi các tòa án thông thường sử dụng những thủ tục pháp lý đã được ấn định. Tòa án nào không sử dụng những thủ tục đã được ấn định một cách hợp lệ trong quá trình xét xử sẽ không được thiết lập để thay thế quyền tài phán của tòa án hoặc cơ quan xét xử thông thường.

Nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án cho phép và yêu cầu tòa án bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều được tiến hành một cách đúng đắn, và quyền của các bên đều được tôn trọng.

Nhiệm vụ của mỗi quốc gia thành viên là phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành tòa án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình.

Nếu chánh án không là đảng viên?

“Tự do biểu đạt và giao kết” cũng là yêu cầu được nêu của Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Theo Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, thành viên của tòa án cũng như các công dân khác có quyền được tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao, hội họp, miễn là trong khi thực hiện các quyền như vậy, thẩm phán phải luôn hành động và cư xử theo cách thức duy trì phẩm giá của công chức cũng như sự vô tư và tính độc lập của tòa án.

Thẩm phán phải được tự do thành lập và tham gia hiệp hội của thẩm phán hay các tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của họ để xúc tiến việc đào tạo chuyên môn và để bảo vệ quyền độc lập xét xử của họ…

Như vậy dịp năm hết Tết đến này, cùng tổng kết lại những bản án thời gian qua như các vụ án một số thành viên ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Phạm Đoan Trang,… dễ dàng nhận ra có lẽ khi nào có sự sòng phẳng không phân biệt giữa một đảng viên thẩm phán với một thẩm phán không đảng viên thì may ra mới bắt đầu tính đến chuyện từng bước chập chững của độc lập xét xử.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thăm thẳm con đường cải cách hành chính

Do Van Tien

VNTB – Thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ còn khó cả năm 2023

Do Van Tien

VNTB – Công lý cho xã hội sau vụ tấn công Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo