Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao trục lợi trong đấu giá đất tiếp tục kéo dài?

Thủ thiêm

Hàn Lam

 

(VNTB) – Về  mặt pháp lý, khó thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào được, cũng như việc khó thể chứng minh được tính trục lợi

 

Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời các chất vấn trên trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều ngày 16-3-2022.

Trước ngày diễn ra phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận thực tế thời gian qua một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh – quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”… như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong đấu giá đất thời gian qua, theo Bộ trưởng, là thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài đến 180 ngày như ở Thủ Thiêm là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, cả nước có 3.177.936 giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với trên 23.292,46 ngàn ha; 81.829 giao dịch cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất với 7.156,29 ha; 4.117.428 giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất với 39.858,5 ngàn ha; 65.446 giao dịch chuyển đổi đất nông nghiệp với trên 4.349,97 ha; 917.850 giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất với 11.776,85 ngàn ha; 442.214 giao dịch thừa kế quyền sử dụng đất với 7.327,66 ngàn ha…

Một đánh giá của Bộ Xây dựng cho biết tình trạng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.

Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Với trường hợp đấu giá đất Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.

Không khó để nhận ra những điều được gọi là trục lợi trong đấu giá đất lâu nay thể hiện bàng bạc ở hầu hết vụ án liên quan hành vi tham nhũng, và cũng cần làm rõ vì sao các điều luật hình sự đã chậm chạp tu chỉnh những nội dung về nhóm phạm tội này.

Từ sự chậm chạp tu chỉnh nói trên cho thấy vấn đề gọi là “trục lợi” (tiếng Anh: Rent Seeking) trong kinh tế học là hành vi cá nhân hoặc một tổ chức giành lợi ích kinh tế từ người khác mà không tạo ra bất kỳ giá trị đối ứng nào. Trục lợi dẫn tới suy giảm hiệu quả kinh tế do phân bổ tài nguyên kém hiệu quả, quốc khố thất thoát, gia tăng bất công xã hội.

Theo Luật phòng, chống tham nhũng, trục lợi là một hành vi của tham nhũng. Trục lợi được hiểu là kiếm lợi ích một cách không chính đáng. Điều 2 của luật này ghi rõ một trong những hành vi của tham nhũng là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trục lợi có khi là hành vi của cá nhân hoặc của một nhóm cấu kết với nhau. Nhóm trục lợi là nhóm lợi dụng vị thế, quyền lực, quan hệ để kiếm lợi không chính đáng cho các thành viên và vì vậy làm tổn hại đến lợi ích chung.

Vậy nên cũng cần làm rõ “trục lợi” trong đấu giá đất lâu nay có yếu tố nào của “trục lợi” theo cách hiểu của Điều 2, Luật phòng, chống tham nhũng hay không?

Bàn luận xoay quanh vấn đề trên, có ý kiến rằng sở dĩ khi nói đến mặt pháp lý, khó thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào được, cũng như việc khó thể chứng minh được tính trục lợi, còn từ lý do nếu thực sự có thể chứng minh được nhà đầu tư gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi, thì khi đó, cơ quan quản lý liên quan đến vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giá điện tăng đã ‘nhấn chìm’ ngành thép Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – ‘Công thức vàng’ tham nhũng đất đai

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo