VNTB – Vì sao Trung Quốc có những tuyên bố cứng rắn ở Đối thoại Shangri-La?

VNTB – Vì sao Trung Quốc có những tuyên bố cứng rắn ở Đối thoại Shangri-La?

N.Nam

(VNTB) – “Nếu ai đó dám tách Đài Loan khỏi chúng tôi, Trung Quốc sẽ không ngần ngại mà chiến đấu và sẽ chiến đấu tới cùng, chiến đấu bằng mọi giá”.

Đó là nhấn mạnh đầy hùng hồn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La 2022.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Anh là đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 19. Tin tức hành lang cho biết viện này dường như là cánh tay nối dài của Tập Cận Bình, nên lẽ đó cũng không mấy ngạc nhiên khi đoàn Trung Quốc thường có những phát biểu đầy cứng rắn và không kém phần khiêu khích.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 12-6 tuyên bố tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022 rằng Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng” để ngăn Đài Loan độc lập.

“Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá, và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Không ai được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Những người theo đuổi sự độc lập của Đài Loan nhằm chia rẽ Trung Quốc chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp” – ông nhấn mạnh và kêu gọi Washington “ngừng bôi nhọ và kiềm tỏa Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc”.

Trước đó, hôm 10-6, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan quyết tâm tự vệ như Ukraine và sẽ không chịu khuất phục trước những sức ép của Trung Quốc. Bà Thái còn nhấn mạnh dù đối diện với những mối đe dọa ngày càng gia tăng, Đài Loan quyết tâm phòng vệ và tự tin rằng sự quyết tâm đó có thể tập hợp những nền dân chủ khác ủng hộ mục tiêu của hòn đảo.

Nghe bài phát biểu với những lần khoác tay chém gió của diễn thuyết cho cảm giác dường như ngài bộ trưởng Ngụy Phương Hòa đang muốn dùng “võ mồm” để tự trấn an.

Mười hôm trước đó, ngày 1-6-2022, Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Đài Loan Đặng Chấn Trung và Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi đã tiến hành hội đàm trực tuyến, tuyên bố khởi động “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” (U.S.-Taiwan  Initiative on 21st Century Trade) nhằm quy hoạch lộ trình đàm phán ký kết hiệp định kinh tế-thương mại tiêu chuẩn cao giữa Đài Loan và Mỹ trong tương lai.

Tin tức cho hay hai bên nhất trí sẽ tổ chức hội nghị tham vấn đầu tiên tại Washington, Mỹ vào cuối tháng 6 năm nay. Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ra thông báo hoan nghênh và ủng hộ việc Đài Loan và Mỹ tuyên bố quan hệ kinh tế-thương mại song phương bước sang một giai đoạn mới, đồng thời tin tưởng rằng sáng kiến này sẽ nhanh chóng mang lại những kết quả cụ thể.

Các chủ đề được nêu trong “Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21” bao gồm: Tăng cường thương mại kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, các nguyên tắc xây dựng pháp luật, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn và chính sách kinh tế phi thị trường,…, đều đang là trọng tâm phát triển kinh tế-thương mại của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nêu bật Đài Loan và Mỹ là đối tác thương mại ưu tiên của nhau và có ý nghĩa chiến lược to lớn.

Theo đánh giá thì Đài Loan và Mỹ đã có nền tảng đối thoại kinh tế – thương mại tốt đẹp và vững chắc như “Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Đài Loan-Mỹ” (TIFA), “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (EPPD) và “Khuôn khổ Hợp tác Đầu tư và Thương mại Công nghệ” (TTIC)…, đồng thời trong thời gian qua, Đài Loan và Mỹ tiếp tục tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế-thương mại song phương và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Từ những mối quan hệ trên nên tại Đối thoại Shangri-La vào ngày 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập đến Trung Quốc và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông cho biết Mỹ sẽ góp phần kiểm soát căng thẳng với Trung Quốc và phòng ngừa mâu thuẫn dù Bắc Kinh ngày càng hung hăng ở châu Á.

Bộ trưởng Austin khẳng định Mỹ sẽ đứng về phía các đồng minh và đối tác, trong đó có Đài Loan. “Điều đó đặc biệt quan trọng khi PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) theo đuổi cách tiếp cận mang tính cưỡng ép và hung hăng hơn trong các yêu sách chủ quyền”, ông phát biểu.

Theo ông Austin, đang có sự gia tăng đáng báo động về số lần chạm trán thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp giữa các máy bay, tàu của Trung Quốc và các bên khác. Ông khẳng định chính sách nhất quán của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan là phản đối bất cứ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)