VNTB – Vì sao Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp?

VNTB – Vì sao Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Đến nay, mặc dù Hiến pháp nói rằng người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình…, nhưng cụ thể các quyền này được điều chỉnh bằng luật thì vẫn chưa có. 

 

Phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5-1-2021 ở Tòa án nhân dân TP.HCM, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, là một minh thị cho chuyện Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp.

Trong lịch sử nhà nước Việt Nam, chưa bao giờ quyền lập hội của người dân không được thừa nhận và khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, ở miền Bắc Việt Nam trước 1975, và sau đó, xét từ góc độ thực tế, trong suốt thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi Nhà nước lãnh đạo và bao cấp toàn diện đời sống của người dân, thì dường như đã không tồn tại cả điều kiện lẫn nhu cầu khách quan cho việc thực thi quyền lập hội.

Bên cạnh đó, các định kiến về tư tưởng cũng góp một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện, không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của Nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.

Có ý kiến, Công ước của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một thành viên, đã xác định hai loại quyền công dân tách biệt: lập hội dân sự và lập đảng chính trị là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất đã được ghi ở Hiến pháp. Như thế, tâm lý e ngại việc lập hội tự do – như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chẳng hạn, phải chăng chỉ còn là sự chưa dám dứt bỏ các thành kiến cũ?

Ở đây có vấn đề của tài phán Hiến pháp.

Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Xét về mặt nội dung, hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, ấn định hình thể quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia.

Trước khi là đạo luật cơ bản, hiến pháp phải là một đạo luật. Với tư cách là đạo luật, hiến pháp phải được tổ chức thực thi, mà đã là thực thi thì bên cạnh những hành vi thực hiện đúng, cũng có những hành vi thực thi sai, không khác nào việc thực thi các đạo luật bình thường khác.

Với tư cách là đạo luật cơ bản, tức là đặc biệt, có hiệu lực pháp lý tối cao nên việc thi hành và việc vi phạm cũng đặc biệt: Trước hết, chủ thể thi hành Hiến pháp là đặc biệt so với chủ thể thi hành các đạo luật bình thường khác.

Điểm khác căn bản của Hiến pháp với các đạo luật khác ở chỗ chủ thể thi hành Hiến pháp là quan chức, mà không phải là công dân. Đó là các cơ quan, tổ chức nắm quyền lực nhà nước.

Cơ quan, tổ chức quyền lực nhà nước càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm phải thi hành hiến pháp bấy nhiêu. Bên cạnh việc thi hành là khả năng vi phạm.

Đó là Nghị viện/ Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Đó là Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đó là các cơ quan Đảng cầm quyền thông qua các hoạt động của lập pháp và hành pháp. Đó là các cơ quan chính quyền địa phương.

Khác với đạo luật thường khác, việc thực thi Hiến pháp không những qua các quy định, mà còn cả tinh thần của Hiến pháp.

Như vậy, với Hiến định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, thì cho đến nay cụm từ “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” vẫn chưa được thực thi là một hành vi của vi phạm Hiến pháp.

Hành vi không hành động vi hiến là hành vi không thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp giao thẩm quyền, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ đó, thì sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp không hành động.

Như vậy, trong phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5-1-2021 ở Tòa án nhân dân TP.HCM, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, cần thiết xem xét trách nhiệm của các tổ chức liên quan về “không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ” được nêu ở vế thứ hai của Điều 25, Hiến pháp 2013.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)