VNTB – Vị Xuyên& thế sự Việt Trung (kỳ12): Tối ngày 18/7

VNTB – Vị Xuyên& thế sự Việt Trung (kỳ12): Tối ngày 18/7

Đặng Việt Châu

                          

Tối ngày 18/7

 

Đơn vị rút về cao điểm 246. Sau những ngày mệt mỏi, vất vả. Dưới căn hầm bê tông vững chắc, tôi ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Rồi có người ngồi cạnh, đang cù chọc trêu tôi. Tôi kêu lên:“Có phải là Thanh không?” Người đó đứng dậy, quay mặt đi ra cửa hầm phía Bắc. Sương trắng bàng bạc, chỉ thấy rõ từ thắt lưng trở lên. Tôi vùng dậy, chạy theo. Lên tới cửa hầm, thấy đồng chí Bảo A trưởng đang ngồi gác. Tôi hỏi Bảo: “Có thấy ai đi qua đây không?” Bảo nói: “Không thấy”. Tôi hỏi: “Mấy giờ rồi?” Bảo nói: “Đã 4h chiều.” Lúc này, Chung cũng vừa đi kiểm tra các phân đội trở về. Thấy tôi, Chung nói ngay: “Thấy anh ngủ ngon, tôi bảo chúng nó để cho anh ngủ”. Như vậy tôi đã ngủ gần một ngày một đêm. Sáng ngày 19/7, đồng chí Sơn cán bộ ban chính trị dẫn hai nhà báo xuống xin được lấy tài liệu để viết bài. Tôi nói với họ: “Nên gặp các chiến sĩ để viết về họ nhiều hơn, vì chính họ mới là những tấm gương về lòng dũng cảm cần được tuyên truyền.”

Trưa hôm đó, anh em đang trò chuyện rôm rả về việc chụp ảnh, phỏng vấn của các nhà báo thì nghe tiếng rít của đạn pháo. Vừa nhảy xuống hầm, thì: “Ùng! Oàng!”. Đất đá bay rào rào. Đạn pháo nổ ngay cửa hầm, khẩu đội 12 ly 7 và khu vực C10. Đồng chí Cúc C10 bị thương.

Ngày 12 bị què nhẹ, hôm nay què luôn, Cúc được đưa về phẫu. Mấy ngày sau, Chung đi họp về. Trên tay cầm tờ báo Quân Đội nhân dân có vẻ phấn chấn lắm. Đưa cho tôi tờ báo, chỉ tấm hình chụp tôi và Chung, khen anh em mình vẫn còn đẹp trai lắm. Nhìn tấm ảnh đen trắng, không được rõ nét, tôi nói: “Trông giống như hai con mèo hen”. Sau đó tờ báo được anh em chuyền tay nhau xem. Khi tờ báo được trả lại, dưới bức ảnh có ghi thêm dòng chữ : “hai con mèo hen vào hang bắt chuột trở về.” Chung tức lắm…

Chiều đó, ngồi ăn cơm, nhìn đĩa thức ăn ngoài món rau tầm bóp rừng luộc chấm với nước ruốc hôi, vừa đắng vừa ngứa và hai con cá chuồn khô nướng mất đầu mất đuôi. Chung ngó nghiêng rồi nói với Tuấn và Bảo:“Hai đứa chúng mày có thấy gì không?”Tuấn và Bảo lắc đầu, nói không thấy gì. Lấy đũa lật đi lật lại con cá, không có đầu cũng chẳng có đuôi. Chung nói: “Đ..!!mẹ. Được hai con mắm bồi dưỡng, hai thằng truyền đạt, đứa ăn đầu đứa ăn đuôi, còn gì nữa là cá”…

Sau ngày Minh C trưởng và anh em thương binh của Tiểu đoàn 3 được chuyển về bệnh xá sư đoàn tại thị xã Hà Giang thì không khí ở đây sôi động hẳn lên. Trong các mẩu chyện chiến đấu, đã có tiếng ùng oàng của lựu đạn, thủ pháo, B40, B41, …tạch tạch, bùm bùm của MK19, …oành oành của cối 60, ..tằng tằng của AK, trung liên và tiếng hô xung phong trong các ván bài tiến lên của anh em thương binh.

Các đoàn đại biểu của các phường, thị xã, của các xã, của huyện Vị Xuyên, đặc biệt là Làng Mè Phương Thiện. Họ thật hởi lòng hởi dạ, ngưỡng mộ trước những gương chiến đấu hi sinh dũng cảm của chiến sĩ sư đoàn 356 là bác Thanh D trưởng, chú Đa, chú Hà, chú Thẩm… Đặc biệt là bác Minh C trưởng C11. Mặt mày cháy xém, da dẻ sạm đen, các vết thương lở loét sưng đau mà vẫn lạc quan, vui vẻ.

Động viên bà con yên tâm bám trụ xóm làng, tích cực sản xuất, không sợ quân địch, vì phía trước đã có bộ đội 356, tiểu đoàn 3 chặn đứng bước tiến của giặc. Điều trị lành vết thương, Minh sẽ quay trở lại cùng anh em đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Cảm động nhất là khi Minh lên bàn mổ, thì vừa lúc anh Khoản đến thăm, Minh xin phép bác sĩ cho Minh được gặp anh Khoản. Lôi chiếc đồng hồ pôn-zốt dấu trong quần lót mà tôi đã đưa cho Minh trước khi vào trận để xem giờ. Trao tận tay anh Khoản, Minh nói: “Thủ trưởng giúp em đưa về cho anh Châu, cho em nhắn với anh Châu và anh em trong đơn vị, Minh sẽ trở lại cùng anh em để chiến đấu, tìm anh Thanh và trả nợ trận này”…

Rất tiếc vết thương của Minh quá nặng, Minh được chuyển về viện 108, rồi về đoàn 200 ở Nghệ Tĩnh. Giờ Minh là thương binh hạng 2 sống tại quê nhà xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An…

Ngày 27/7, tôi được triệu tập về sở chỉ huy sư đoàn rút kinh nghiệm trận đánh. Về đây tôi mới được biết, trong sáng 12/7 không chỉ có sư đoàn 356 đánh 772 mà còn có các F316 đánh 233, F312 đánh 1030… Và trận đánh cao điểm 772 của E876 diễn biến như sau:

Theo chỉ lệnh chiến đấu, giờ G là 4h10, pháo binh ta sẽ đánh phá trận địa địch 120 phút. Cụ thể là D1 và D2. Sau đó bộ binh mở cửa mở xung phong đánh chiếm mục tiêu. Nhưng thực tế không có pháo cấp trên bắn phá mà chỉ có một số pháo nhỏ của trung đoàn bắn vào những mục tiêu đã được chỉ định. Sau loạt bắn đầu tiên thì một số trận địa của ta bị địch phản pháo. Tiểu đoàn 1 và 2 bị pháo địch bắn ngay vào vị trí xuất phát tiến công.

Tiểu đoàn 1, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ, tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết, trợ lí tác chiến Nguyễn Văn Thêm cùng số đông cán bộ chiến sĩ hi sinh.

Tiểu đoàn 2, tiểu đoàn phó Phạm Minh Kí, trợ lí chính trị E Nguyễn Văn Ngọ cùng số đông cán bộ chiến sĩ hi sinh. Như vậy tiểu đoàn 1 và 2 ngay từ đầu đã mất sức chiến đấu.

Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ thọc sâu chia cắt quân địch giữa 1509 và 772 đồng thời luồn ra phía sau đánh phá cụm khí tàng và trận địa pháo… gây hoang mang cho địch. Do vậy đơn vị chia lẻ thành ba bộ phận. Hai phân đội luồn sâu bí mật vận động, áp sát mục tiêu.

Tính đến ngày 27/7, toàn E số cán bộ chiến sĩ hi sinh là 549 đồng chí (trong đó D3 là 144 đồng chí). Số bị thương đang nằm ở các tuyến ước cũng tương đương số hi sinh là một tổn thất nặng nề. Không khí đau buồn bao trùm, chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào.

Sáng 28/7

Tại hội trường F314, sáng 28/7, tôi gặp lại những người bạn của thời đánh Mĩ. Mạo D trưởng D3- F312 đánh 1030. Chuyển D trưởng D2 F316 đánh 233. Ba anh em đang thì thầm hỏi thăm những đứa bạn cùng thời. Hình như đều tránh đi việc hỏi nhau về trận đánh, thì có tiếng hỏi: “Đồng chí Châu, tiểu đoàn 3 F356 có đây không“? Tôi đứng dậy.Trên chủ tọa đoàn, tướng Vũ Lập tư lệnh quân khu nhìn tôi thật hiền. Ông nói tiếp: “Đồng chí lên trình bày diễn biến chiến đấu của đơn vị đồng chí”.

Lên diễn đàn, nhìn thấy toàn là tướng tá cấp Bộ, Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn.Do không được chuẩn bị nên lúc đầu tôi thực sự lúng túng. Biết vậy tướng Lập động viên tôi. “Đồng chí cứ làm như lúc chỉ huy chiến đấu.”

Như được cởi lòng tôi tuần tự trình bày…Khi đến đoạn bộ đội C10, C11 tiểu đoàn bộ tràn lên D3 thì cả hội trường ồn ào hẳn lên, tướng Lập ra hiệu mọi người trật tự. Khi tôi trình bày xong, ông hỏi tôi: “Thế trận này ta thua hay thắng“? Không cần suy nghĩ, tôi đáp: “Ta đã thua, bởi không chiếm được mục tiêu và hi sinh tổn thất quá lớn. Nhưng tinh thần dũng cảm chiến đấu dám đánh, quyết đánh, dám xả thân hi sinh vì sự vẹn toàn của biên giới tổ quốc của cán bộ chiến sĩ ta cần được ghi nhận“.

Nghe câu trả lời của tôi, cả hội trường như lặng hẳn. Giọng tư lệnh chùng xuống, ông nói đại ý là: “Đánh nhau phải có thắng, có thua. Nhưng phải biết vì sao mà thua, vì không hiểu địch, nóng vội, coi thường địch hay ý chí quyết tâm chưa tốt, trình độ chiến đấu còn non kém…Chỉ huy các đơn vị phải kiểm điểm thật kĩ rồi rèn luyện bộ đội thật tốt, thật đầy đủ, tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi”.

Rồi ông nhìn tôi và hỏi: “Đồng chí có làm được không”? Tôi hứa với tư lệnh trở về đơn vị sẽ cùng với anh em cán bộ chiến sĩ quyết tâm thực hiện bằng được chỉ thị, mệnh lệnh của tư lệnh quân khu.

Vì coi thường địch, nóng vội, học theo kiểu chiến tranh “bấm nút” đem áp dụng ngay vào đánh nhau nơi non cao, đồi núi chập chùng, địa hình chia cắt bởi khe suối, thung lũng…Sau ngày đánh nhau, cũng chỉ có làm theo mệnh lệnh của người chỉ huy, chẳng thấy ai coi sóc đến việc rút kinh nghiệm cho từng phân đội, từng đơn vị. Người chết thì cứ chết, người sống thì việc đánh nhau là nhiệm vụ của người lính cứ thế mà làm. Rất may, trong đơn vị vẫn còn nhiều cán bộ chiến sĩ tận tâm, tận lực. Họ biết trọng danh dự và thiết tha yêu cuộc sống, yêu Tổ Quốc. Nên họ đã đứng vững cầm chắc súng tiếp tục chiến đấu chặn đứng bước tiến của quân giặc, giữ vững biên cương của tổ quốc.

Ta vẫn say sưa với chiến thắng của tháng 3/1979, nên cứ tưởng…phát huy tối đa hỏa lực pháo binh băm nát mục tiêu, pháo chuyển làn kiềm chế trận địa pháo địch, bộ binh mở cửa mở xung phong đánh chiếm. Địch còn thằng nào ngắc ngoải, hoặc bị sức ép đang ngơ ngơ ngác ngác thì hô…tháo xẻng đưa qua tai (bác Hồng Cư dạy đấy). Chúng đưa tay ra lấy dây trói lại. Các cánh quân gặp nhau reo mừng…Ta đã cắm được ba cờ! Xơ cờ tả tơi, cờ đâu nữa mà cắm.

Đầu năm nay 2011, nhân ngày 30-4, gặp mặt đồng đội sư đoàn 356 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Gặp lại anh Khoản, anh em hỏi: “Anh có nhớ bọn em không”? Anh nhìn rồi cười và nói: Chỉ nhớ chú Thanh, chú Châu, còn quên hết rồi….

Trước khi viết những dòng này, tôi điện hỏi anh Tứ vì sao pháo cấp trên hôm ấy không bắn như chỉ lệnh chiến đấu. Anh Tứ bảo:” Tôi đã điện cho ông Điếm, thì ông bảo sương mù quá không hiệu chỉnh được”. Tôi bảo: “Tôi sẽ hiệu chỉnh cho“. Nhưng vẫn không bắn..

Ngày 12/7/2009, gặp mặt đồng đội của sư đoàn tại Vinh, Nghệ An. Vừa vào cổng hội trường thì một người chạy tới ôm chầm lấy tôi và nói: “Anh có nhớ em không”? Tôi nhận ra ngay đó là chiến sĩ thông tin, người trong lửa đạn tại D3 đã truyền đạt mệnh lệnh của sư đoàn trưởng để tôi chỉ huy chiến đấu… Thật cảm động, tôi gọi tên đồng chí đó: “Chiến phải không“? Bởi sau khi ra lệnh rút, tôi chỉ kịp hỏi: “Đồng chí tên gì”? trong ầm ào súng nổ, tôi chỉ nghe là “i..ế..n” và sau đó không gặp lại nữa.

Sau này, khi về sư đoàn công tác, mỗi bận xuống Tiểu đoàn 18 thông tin, tôi luôn kể về một chiến sĩ thông tin quả cảm của D18. Người đã giữ mạch liên lạc duy nhất giữa tôi và chỉ huy sư đoàn trong trận đánh sáng ngày 12/7. Một tấm gương sáng trong chiến đấu của tiểu đoàn cần được nêu gương. Tên là “Chiến” mà 25 năm sau mới rõ tên: “Chu Văn Khiêm nay sống ở xóm 4 Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội”.

Chỉ có 3-4 giờ đồng hồ giữa sương khói lửa đạn mịt mùng. Giữa cái sống và cái chết vậy mà 25 năm sau vẫn nhận ra mặt nhau, thật là đáng trân trọng. Ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Hết chuyện cuộc sống gia đình rồi lại chuyện về trận chiến. Trong tôi đồng đội lại hiện về và ngay sau đó, lúc gần kết tôi đã lên diễn đàn đọc bài thơ:

 

DƯ ÂM

(Thêm một nén nhang cho người nằm lại)

Gió trở mùa – Thu đã sang
Sương giăng trắng trời trắng đất
Nơi xa ùng oàng sấm động
Ngỡ là mệnh lệnh tấn công

Năm ấy mùa thu, ngày sương mù mịt
Thung sâu tơi bời lửa đạn
Tuổi xuân xung trận giữ biên thùy

Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý
Tiến, Công, Kí, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm…
Nơi nghĩa trang có danh và vô danh

Trong hố chôn chung hay nằm rải rác
Nơi thung sâu Nậm Ngặt hay Khe Cụt đồi xanh
Người nằm lại và tuổi xanh mãi mãi…

Bảy bảy hai! Bảy bảy hai
Tuổi xuân giữ lại chốn này
Ngày thu Nậm Ngặt…
Sương giăng trắng trời!

Đặng Việt Châu12/7/2009

 

Dân làng Mè- Phương Thiện nhất là các cụ ông cụ bà cứ thấy bộ đội vào là hỏi: “Có phải là bộ đội tiểu đoàn 3 không? Bác Thanh đã về chưa? Đúng là bộ đội ta rồi”. Đến ngày 18/10 thì tiểu đoàn quay lại làng Mè – Phương Thiện, ông Điều trước đây là cán bộ tuyên giáo tỉnh nghỉ hưu đã tổ chức bữa rượu mừng ngày đơn vị trở lại. Vào tiệc, rượu được uống bằng bát. Bởi tửu lượng có hạn nên tôi nháy mắt với anh em thay bằng nước lã. Ông Điều bắt được nên bị phạt gấp ba, về đến nhà thì đổ kềnh.

Mấy hôm sau nhân ngày nghỉ đơn vị tổ chức bữa rượu quân dân. Vào cuộc hai két rượu chanh được mang ra. Ông Điều phấn khởi lắm. Ông bảo cứ để nguyên chai cho nó oai. Hơn nữa để khỏi phiền các chú phục vụ vất vả. Thế là đôi bên thù tạc.

Giặc dùng rượu chanh thì ta cũng dùng rượu chanh! Quyết chiến! Thắng! Rượu cả chai cứ thế các cụ “khà”… Đến lúc ngấm cụ ra lệnh: “Chúng mày phải làm kiệu khênh bố về”. Thế là 4 lính truyền đạt được lệnh làm một cáng. Cụ ngất ngưởng ngồi lên miệng hô: “Xung phong”, tay chỉ thẳng hướng nhà cụ mà thẳng tiến. Chẳng quản ruộng nước lầy lội lạnh giá, mấy đứa vui quá cứ thế mà chạy. Chỉ tội trời thì rét, khi về đến nhà thì người bê bết bùn đất. May mà hôm đó quân y sĩ Ba đã làm mấy chai rượu giả bằng nước polytamin pha giống hệt màu rượu chanh. Không thì chỉ huy cũng nhũn.

Hơn một tháng ở làng Mè, tiểu đoàn được giao  nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng ngự Bắc thị xã Hà Giang và triển khai phương án phòng ngự. Hàng chục kilomet chiến hào, hàng trăm hầm hố chiến đấu được cán bộ chiến sĩ đơn vị làm với thời gian nhanh nhất và chất lượng tốt nhất, sẵn sàng chặn địch khi có tình huống xấu xảy ra.

Đây cũng là thời gian tốt đẹp của tình quân dân. Sau ngày lao động mệt nhọc hằng đêm, trừ những buổi sinh hoạt còn lại thường có những cuộc giao lưu giữa anh em bộ đội và dân Làng Mè. Đêm biên cương khi đêm đã buông xuống, lành lạnh dưới ánh trăng bàng bạc đã chếch về Tây. Thế mà cuộc vui giữa anh em bộ đội và dân Làng Mè vẫn đang say với khúc ca mà họ tự sáng tác… 

Đêm về khuya, hướng Thanh Thủy chớp đạn sáng lòe và ầm ào tiếng sung, vậy mà nơi này làng Mè- Phương Thiện, tiếng hát vẫn mạnh mẽ vang động, thôi thúc nhắc nhở mọi người nhớ tới nghĩa vụ thiêng liêng, sẵn sang lên đường vào trận để chiến đấu và chiến thắng quân thù. Ngay phía trước mặt, đó là Nậm Ngặt, là Thanh Thủy. Cách đây chưa lâu, họ và đồng đội đã từng đổ máu, hi sinh ở đó. Nghe tiếng hát trầm hùng trong đêm khuya nơi mảnh đất biên cương ầm ào súng nổ. Tôi thật sự xúc động. Bởi khúc hát đã nói lên tâm tư tình cảm của anh em cán bộ chiến sĩ đối với nhiệm vụ, với đơn vị, với Tổ Quốc. Với nhiệm vụ chiến đấu mà họ đã làm và đang làm giữa cái sống, cái chết cận kề thế mà vẫn lạc quan vui vẻ. Họ luôn sát cánh bên nhau nắm chắc tay súng, tiếp tục dấn thân vào nơi lửa đạn đầy gian khổ, hy sinh một mất một còn vì sự bình yên của biên giới, vì sự vẹn toàn của Tổ Quốc.

Chiều 28 tháng giêng năm 2012, tôi nhận được cú điện thoại từ Hà Nội giới thiệu là cháu của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh. Sau lời thăm hỏi, biết chắc tôi là chính trị viên D3 trong trận đánh 12/7/1984, tôi nghe tiếng phụ nữ xưng là Lan vợ của Thanh và rồi chỉ có tiếng khóc xen lẫn tiếng kể lể, tâm sự… Gần 1h đồng hồ với hai chiếc điện thoại, của người cháu và của chị Lan sau gần 30 năm khắc khoải…

Mãi đến cuối năm 1985 Lan mới nhận được giấy báo tử. Sau này, khi biên giới thật sự bình yên, đã 2 lần mẹ con chị ngược Hà Giang tìm mộ chồng. Và lần này ra Hà Nội được nhà ngoại cảm cho biết Thanh ở rất xa… Tìm đồng đội đang sống thì sẽ biết…

Qua sự mách bảo của người cháu tại Hà Nội, chị đã lên mạng và tìm được số điện thoại của tôi. Nhân danh những người đồng đội đang sống, xin được chia sẻ nỗi mất mát xót đau của chị cùng các gia đình những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh 12/7 cũng như quá trình trận chiến Hà Giang, cũng như chị Lan suốt gần 30 năm trong tủi buồn vô vọng.

Trong xót xa những lần ngược miền biên ải tìm mộ chồng nơi nghĩa trang với hàng ngàn bia mộ, lần theo dãy mộ sư đoàn 356 với niềm tin mong manh.

Tấm gương chiến đấu của Thanh và những đồng đội thật dũng cảm. Trong tâm khảm những người còn sống chúng tôi, họ là những người anh hùng. Sau đó, tôi điện cho anh Tứ, anh Cam số điện thoại của chị Lan 01259499365 để các anh và đồng đội cùng chia sẻ.

(*) Rút từ trong bộ Vị Xuyên& thế sự Việt Trung – Sưu tập Phạm Viết Đào trọn bộ 5 tập trên 3000 trang)


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)