Việt Nam Thời Báo

VNTB – Viện Kiểm sát có quyền kiểm soát quyền lực?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Liệu Viện Kiểm sát có thể thuộc nhóm quyền kiểm soát của “quyền lực thứ tư”, sau các quyền lập pháp – hành pháp – tư pháp?

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW về “Thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm”. Theo đó tại điều 3.1 ghi rõ: “Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có tổ chức Hội thảo khoa học “Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Ghi nhận các ý kiến cho thấy có một số ý đề xuất mới, đột phá như: Bên cạnh quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp theo cách lập luận lâu nay của Đảng, cần xem xét Viện kiểm sát thuộc nhóm quyền kiểm soát quyền lực thứ tư, và cần nghiên cứu để tách riêng các quy định về Viện Kiểm sát nhân dân thành một chương riêng trong Hiến pháp mà không đặt cùng chương với quy định về Tòa án nhân dân để đảm bảo sự phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân.

Diễn biến tình hình nhân sự trong bộ máy của Đảng và chính quyền trong thời gian gần đây cho thấy đề xuất nêu trên của Viện Kiểm sát nhân dân là rất đáng quan tâm.

Mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” cho thấy, muốn kiểm soát quyền lực tốt thì bản thân Đảng với các tổ chức từ trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết đối với những biểu hiện lộng quyền từ phía các thành viên của mình.

Mọi hoạt động của các tổ chức đảng phải công khai, minh bạch và chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhân dân.

Tuy nhiên từ năm 2002 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân không thực hiện chức năng kiểm sát chung nên đã tạo ra “khoảng trống” trong thực hiện cơ chế giám sát việc ban hành văn bản pháp quy, xử lý vi phạm hành chính trong cơ chế bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng dẫn đến sự gia tăng của vi phạm pháp luật, tội phạm.

Yêu cầu cần có cơ chế kiểm soát việc ban hành văn bản pháp quy, việc xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục “khoảng trống” quyền lực không có sự kiểm soát, hoặc kiểm soát chưa hiệu quả trong thực tiễn vừa qua đã cho thấy sự cần thiết của “quyền lực thứ tư” về sự giám sát, kiểm tra này.

Về lý thuyết quản trị quốc gia thì “tam quyền phân lập” là cấu trúc quyền lực phân tán, hệ thống mở và vận hành dựa trên nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát quyền lực” là hạn chế tối đa khả năng thâu tóm quyền lực nhà nước bởi một chủ thể nào đó. Các nguy cơ hoặc biểu hiện hành vi lạm dụng công quyền thường được phát hiện từ rất sớm, nhờ đó giảm thiểu khả năng lợi dụng quyền lực công để phục vụ các lợi ích cá nhân, nhóm.

Ở Việt Nam trong 2 thập kỷ đầu của quá trình đổi mới, kiểm soát quyền lực cũng chưa phải là mối quan tâm tại các kỳ Đại hội Đảng. Phải đến Đại hội Đảng lần thứ 11 vào năm 2011, lần đầu tiên khái niệm “kiểm soát quyền lực” mới xuất hiện trong các văn kiện đại hội. Tại Đại hội 13, kiểm soát quyền lực đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Những biểu hiện lạm quyền cũng đang có xu hướng gia tăng trong khoảng 2 thập kỷ gần đây. Do đó khi tổng kết thành quả có được từ nhiệm kỳ Đảng đang vào giai đoạn kết này, cần thiết có những đột phá mới cho Đại hội Đảng lần thứ 14 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1-2026.

Người viết bài này cho rằng kiểm soát sự tha hóa quyền lực là công việc cấp bách. Và quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế kiểm soát quyền lực được cụ thể hóa bằng pháp luật. Kiểm soát quyền lực nhà nước phải được tiến hành một cách đồng bộ, quyết liệt từ cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng nhân dân trên cơ sở hành lang pháp lý cụ thể, dễ thực hiện

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB- Tích tụ ruộng đất vẫn phải theo định hướng XHCN?

Trương Thế Tử

VNTB – Nền tư pháp cảm tính?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lá phiếu từ Tòa án binh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo