Trần Thành
(VNTB) – Trở lại với “viết một đằng tuyên một nẻo” như lời của Chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình, đây là chỉ dấu của tham nhũng hơn là từ lý do các vị thẩm phán không rành văn phạm. “Lỗi chính tả” là cái cớ rất thô thiển cho chuyện chạy án ở Việt Nam.
Chiều 14/1/2017, sau 3 ngày diễn ra, Tòa án nhân dân Tối cao đã bế mạc Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2017. Chánh án tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng, “có nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả, thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không ok thì nặng”. Đây là thách thức lớn khi sắp tới ngành tòa án sẽ công khai bản án lên cổng thông tin”.
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…
Ẩn tình của những phát ngôn nói trên, thực ra là đang muốn tiếp tục che giấu chuyện nhiều bản án tuyên, vốn được soạn sẳn trước cả khi diễn ra phiên tòa, chứ phải đâu là câu chữ có được từ thời gian nghị án. Người ta nôm na gọi đó là những bản án bỏ túi, những vụ ‘chạy án’.
Đừng ngớ ngẩn đổ thừa cho ‘lỗi chính tả’
Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, do ông Nguyễn Văn Hiện, Chánh án TAND Tối cao ký ban hành, đã có tất cả các mẫu văn bản tố tụng: 1. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (mẫu số 04a: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà); 2. Quyết định tạm đình chỉ vụ án (mẫu số 04b: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);
3. Quyết định đình chỉ vụ án (mẫu số 04c: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà); 4. Quyết định đưa vụ án ra xét xử (mẫu số 04d: dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà); 5. Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử (mẫu số 04đ: dùng cho Chánh án Toà án xét xử sơ thẩm); 6. Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung (mẫu số 05a: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm);
7. Quyết định tạm đình chỉ vụ án (mẫu số 05b: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm); 8. Quyết định đình chỉ vụ án (mẫu số 05c: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm); 9. Biên bản nghị án (mẫu số 05d: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm); 10. Quyết định trả tự do cho bị cáo (mẫu số 05đ: dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm); 11. Mẫu biên bản phiên toà hình sự sơ thẩm; 12. Mẫu bản án hình sự sơ thẩm.
Tương tự, các nội dung cho tố tụng phúc thẩm sẽ theo mẫu văn bản chung của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, ngày 08 tháng 12 năm 2005. Người ký: Chánh án Nguyễn Văn Hiện.
Cách thức trình bày văn bản, như khổ giấy, kích cở co chữ, giãn dòng, tiêu đề…, thực hiện theo Thông tư liên tịch 55/2005/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản do Bộ Nội vụ – Văn phòng chính phủ ban hành.
Như vậy, trong nhóm lý do: “viết một đằng tuyên một nẻo”, chắc chắn không ngoài nguyên cớ là các đương sự liên quan đã “chạy thuốc”.
Vì sao con nợ 5.190 tỉ đồng lại không phải ‘hầu tòa’?
Vụ án Phạm Công Danh, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng – VNCB đang diễn ra là một ví dụ gần nhất cho chuyện vị thẩm phán phiên xét xử đã bỏ qua nhiều yêu cầu về mẫu văn bản tố tụng, khi đã không đưa ông Trần Quý Thanh – người được phiên sơ thẩm tuyên buộc phải trả cho bị cáo số tiền đến 5.190 tỉ đồng – vào vòng tố tụng ngay khi thụ lý hồ sơ cho phiên xét xử phúc thẩm.
Bản án sơ thẩm quyết định VNCB trả 5.190 tỉ đồng cho bà Trần Ngọc Bích, buộc ông Trần Quý Thanh trả 5.190 tỉ cho bị cáo Danh, và bị cáo Danh trả khoản tiền do sai phạm mà có này cho VNCB. Sau phiên sơ thẩm, ông Phạm Công Danh kháng cáo với yêu cầu được đối chất với ông Trần Quý Thanh.
“Quan hệ giữa tôi và ông Thanh là vay mượn nhiều năm, nhiều lần. Tại nơi làm việc của ông Thanh có mặt bà Bích, ông Thanh là người gửi tiền rất lớn vào ngân hàng nên khi ông Thanh có nhu cầu vay tiền thì chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm chăm sóc khách hàng. Trong cuộc họp hội đồng quản trị thì tôi có chỉ đạo nhân viên ngân hàng ưu tiên cho nhóm này nhưng không yêu cầu bất cứ ai cho nợ chứng từ. Tôi và ông Thanh đã vay mượn rất nhiều lần nên tôi mới tin tưởng. Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, tôi bàng hoàng sửng sốt. Tôi khẳng định tôi chưa bao giờ chỉ đạo bất kỳ hình thức nào cho ai về việc cho nợ chứng từ. Mối quan hệ vay mượn với ông Trần Quý Thanh xuất phát từ niềm tin. Tôi đặt niềm tin vào ông Thanh”. Ông Phạm Công Danh nói về lý do kháng nghị yêu cầu đối chất với ông Trần Quý Thanh.
Những yêu cầu đó của ông Phạm Công Danh lẽ ra phải được thể hiện qua các nội dung văn bản tố tụng theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP. Thứ nhất, nếu thẩm phán được phân công chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án VNCB, xem xét những lời khai, yêu cầu của Phạm Công Danh về Trần Quý Thanh là một chứng cứ quan trọng vì số tiền ở đây lên đến 5.190 tỉ đồng, thì có thể sử dụng văn bản mẫu số 04a để yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra làm rõ.
Thứ hai, trước khi đưa vụ án xét xử trình tự phúc thẩm, thì các yêu cầu kháng nghị của ông Phạm Công Danh phải được liệt kê đầy đủ theo mẫu số 04d. Ở đây, việc thiếu sót này khả năng là lỗi từ cấp xét xử hình sự sơ thẩm, khi những yêu cầu của ông Phạm Công Danh đã không được ghi đầy đủ trong mẫu số 01a, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP.
Tòa án cấp phúc thẩm có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm hoặc quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Do vậy, phạm vi xét xử phúc thẩm không chỉ bó hẹp trong việc xem xét, giải quyết nội dung của kháng cáo, kháng nghị mà còn có thể xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Như vậy, trở lại với “viết một đằng tuyên một nẻo” như lời của Chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình, đây là chỉ dấu của tham nhũng hơn là từ lý do các vị thẩm phán không rành văn phạm. “Lỗi chính tả” là cái cớ rất thô thiển cho chuyện chạy án ở Việt Nam.