Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam bao giờ tuyên bố hết dịch Covid?

Ngọc Lan

(VNTB) – Rất nhiều địa phương đang mong có một tuyên bố kết thúc dịch Covid-19

 

Không khí SEA Games 31 đã nóng lên, ‘mở hàng tưng bừng’ sẽ là trận bóng đá U23 Việt Nam gặp Indonesia…

Vậy thì nếu có tuyên bố dịch giã Covid-19 đã ‘cáo chung’ tại Việt Nam thì xem ra người ta cũng hào hứng hơn trong xuống đường cổ vũ SEA Games 31.

Báo cáo mới nhất của WHO về Covid-19, công bố ngày 4-5, cho biết số ca tử vong do Covid-19 thế giới tiếp tục giảm thấp, chỉ còn 15.000 ca toàn cầu, giảm 3% so với tuần trước đó. Số ca mắc mới là 3,8 triệu, giảm 17%.

Số ca mắc mới thực tế được WHO cho là lớn hơn nhiều bởi một số quốc gia đã bỏ bớt các yêu cầu xét nghiệm nên khó đánh giá con số dương tính thực sự. Tuy nhiên số ca tử vong thực tế lại thấp hơn mức được báo cáo, do trong tuần này Ấn Độ bổ sung thêm nhiều ca tử vong từ trước, nhưng chưa được thống kê.

Vào tháng trước, WHO khuyến nghị vẫn coi Covid-19 như một PHEIC (tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu) nhưng các quốc gia thành viên nên dỡ bỏ các hạn chế thông thương quốc tế, bỏ ‘hộ chiếu vắc-xin’, để trẻ em được đến trường học trực tiếp…

Tin tức hành lang cho biết việc tuyên bố kết thúc dịch giã Covid-19 tại Việt Nam sẽ nằm trong nội dung nghị sự của Đại hội Đảng khóa XIII, kỳ 5 sẽ kết thúc vào ngày 10-5 tới đây. Theo đó, Bộ Y tế đang “xin ý kiến” về lựa chọn phương an đảm bảo công tác ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 trong năm 2022 – 2023, trên cơ sở kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch trong 2022 được WHO ban hành.

Theo đó, tình huống thứ nhất, là chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Tình huống thứ 2, xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Ở tình huống thứ nhất, Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung là nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.

Tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại (VOC) và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus.

Về các biện pháp xã hội, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại Nghị quyết 128 trước đó của Chính phủ, song xem xét giảm bớt hoặc nới lỏng các điều kiện, hướng dẫn để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân việc triển khai thực hiện.

Đánh giá việc thực hiện, điều chỉnh các chỉ số, ngưỡng xác định cấp độ dịch phù hợp với bản chất dịch, đáp ứng thực tế, tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

Về công tác hậu cần, ngoài việc tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc Covid-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đề xuất rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các giải pháp phòng, chống dịch, tình huống thứ 2 sẽ triển khai như ở tình huống thứ nhất và tập trung các hoạt động cơ bản. Ở tình huống này sẽ thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Về các biện pháp xã hội, tình huống thứ 2 đặt ra việc thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Trong một diễn biến liên quan, hàng loạt tin tức cho thấy có lẽ là rất nhiều địa phương đang mong một tuyên bố kết thúc dịch Covid-19, khi mà ngay đầu năm 2022, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và gặp gỡ nhà đầu tư được tổ chức với quy mô lớn như tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh; và các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình được tổ chức ngay tại TP.HCM thông qua kết nối của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính uy tín hàng đầu.

Hoặc Đắk Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp với các thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…

Hiện tại thì người dân khi di chuyển tới các nơi công cộng, nhà hàng… không còn phải khai báo y tế. Quy định này áp dụng từ đầu tháng 5-2022.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Kiệt sức rồi, nhà báo ơi!

Phan Thanh Hung

VNTB – Liên Hợp Quốc: đại dịch Covid trở thành khủng hoảng nhân quyền

Phan Thanh Hung

VNTB – Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo