Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam cần làm gì để chống tham nhũng?

Vân Khanh

(VNTB) – Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện qua dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII vừa được báo chí đăng công khai, là bổ sung yếu tố “không muốn” tham nhũng.

 

Giới quan sát chính trị cho rằng trong liên quan yếu tố “không muốn” tham nhũng, nên đảng cầm quyền ở Việt Nam mới lập ra một tổ chức gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên luật này không có quy định nào ‘điều chỉnh’ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Chính điều này dẫn đến chỉ khi nào Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đưa ra danh sách các vụ án liên quan tham nhũng, với yêu cầu xử lý mạnh mẽ, thì người dân mới thấy mở những phiên tòa ‘trị tham nhũng’.

Nếu thực tâm mong muốn ‘trị tham nhũng’, có lẽ Bộ Chính trị – Ban Bí thư – Quốc hội cần tham khảo vấn đề này ở Mỹ – nơi mà việc chống lạm quyền nói chung và chống tham nhũng nói riêng chủ yếu được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội.

Nguyên tắc này được thể hiện trong một loạt chính sách về tổ chức bộ máy chính trị và công quyền.

Các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Mỹ gồm 3 yếu tố chính: Ngăn chặn và tăng trách nhiệm giải trình thông qua tăng cường thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng xuyên biên giới; giải quyết mối liên hệ giữa tham nhũng và an ninh. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về đạo đức trong chính quyền, nhằm giúp công chức tránh lâm vào tình huống xung đột lợi ích riêng và chung.

Không dừng lại ở ‘trị tham nhũng’ trong nước, mà Mỹ còn có Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act, FCPA) được chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 1977. Đạo luật này nghiêm cấm các hành vi hối lộ của các doanh nghiệp cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài vì mục đích kinh doanh.

Đạo luật FCPA được ban hành khi có tới hơn 400 doanh nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận đã đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Đạo luật FCPA được củng cố vào năm 1998, với những điều khoản bổ sung về chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý nước ngoài tiếp tay cho các hành vi tham nhũng khi đang hoạt động kinh doanh trên đất Hoa Kỳ.

Đạo luật này cũng đề ra các điều khoản về kế toán doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp này sẽ phải thiết lập và vận hành một hệ thống kế toán trong đó kiểm soát chặt chẽ và ghi nhận lại mọi khoản thu chi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khái niệm “hối lộ” chưa thực sự được làm rõ trong đạo luật FCPA. Lấy ví dụ, đạo luật có sự phân biệt giữa hành vi “hối lộ” và việc thực hiện các khoản “tiếp khách”, được cho là hợp pháp nếu không vi phạm vào các điều luật của đất nước đó.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa có những bộ luật chống tham nhũng, hối lộ đối với các giao dịch thương mại quốc tế. Một số doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng đạo luật FCPA ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của họ, do các doanh nghiệp cạnh tranh ở các nước khác không bị hạn chế bởi những điều luật như thế này.

Thêm nữa, FCPA ngày càng áp dụng những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm. Các doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt đến hai triệu đô la Hoa Kỳ, còn các cá nhân thì mức phạt lên đến 100,000 đô la Hoa Kỳ và có thể phải chịu án tù.

Đạo luật FCPA đã và đang trở thành “mối đe dọa” đối với những vụ “đi đêm” của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Các điều khoản của FCPA bao gồm hai mảng chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách giấy tờ. Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.

Đối tượng điều chỉnh của FCPA không chỉ bao gồm công dân và doanh nghiệp Mỹ, mà còn cả những người lưu trú dạng thẻ xanh ở nước này, cũng như bất kỳ công ty nào hoạt động theo luật pháp Mỹ hoặc có địa điểm kinh doanh chính nằm ở Mỹ. Kể từ năm 1998, FCPA mở rộng áp dụng cả với công ty nước ngoài, cá nhân nước ngoài có hành vi tham nhũng khi đang ở trong lãnh thổ Mỹ.

Khái niệm quan chức nước ngoài khá rộng, chẳng hạn bác sĩ tại các bệnh viện công ở nước ngoài, hoặc bất kỳ ai làm việc cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay do chính phủ nước ngoài quản lý, điều hành. Ngay cả nhân viên của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc cũng được FCPA coi là quan chức nước ngoài.

Lãnh đạo doanh nghiệp có thể phải chịu án 20 năm tù nếu công ty của họ bị kết tội vi phạm đạo luật FCPA. Về mặt lý thuyết thì có thể họ sẽ bị tống giam chỉ vì một nhân viên quèn tại một chi nhánh nào đó tại nước ngoài hối lộ một quan chức địa phương. Trong một số trường hợp, đạo luật FCPA nhấn mạnh rằng các giám đốc biết và phải biết cái chuyện “đưa và nhận” này, dù thật sự họ có chẳng biết gì.

Có ghi nhận là mặc dù Việt Nam có Luật Phòng, chống tham nhũng, có Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, song trong các nội dung báo cáo chính thức từ cơ quan chính quyền đến cơ quan đảng, vẫn phải thường xuyên sử dụng cụm từ thể khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong chuyện ‘trị tham nhũng’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ở Việt Nam có những “Phó Chính Hoa” hay không?

Trương Thế Tử

VNTB – Làm phiền dân chúng quá…

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí Việt Nam “né” vạch trần tham nhũng chính trị

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.