Ngọc Vân
(VNTB) – Nhà nước có khả năng cứu trợ dân chúng, nhưng không làm. Có phải vì dân là nguồn thu, không phải là chỗ chi?
Một gia đình bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về quê ở tận… Nghệ An vì mất việc (1). Một số phụ nữ lên mạng để lên án nhà nước cứu trợ sai đối tượng. Có thể có người cho rằng đó là những hình ảnh cục bộ, không phản ánh được hình ảnh của một nhà nước vì dân. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu nỗ lực cứu trợ dân chúng của một số chính quyền khác trong vùng Đông Nam Á.
Việt Nam, qua hai đợt cứu trợ, đã chi 88 ngàn tỷ VND, tương đương khoảng 4 tỷ USD(2,3). Để thấy được độ lớn của các gói cứu trợ này, người ta có thể tính giá trị của chúng theo phần trăm độ lớn của nền kinh tế. GDP (tổng giá trị sản phẩm nội địa) của Việt Nam là 271 tỷ USD vào năm 2020(4). Như vậy, số tiền cứu trợ trên tương đương khoảng 1,5% GDP của Việt Nam.
Trong khi đó, Singapore chi khoảng 20% GDP để cứu trợ dân chúng trong đại dịch này (5).
Có thể có người cho rằng Singapore là nước giàu, không thể so sánh với họ. Dù xin lưu ý rằng con số 1,5% đã tính theo tỷ lệ của nền kinh tế – do đó, khó có thể phân biệt nước giàu hay nước nghèo – tôi xin so sánh với các gói cứu trợ của một số nước Đông Nam Á khác.
Thái Lan, nước có nền kinh tế trị giá khoảng 502 tỷ USD (6), chi hơn 30 tỷ USD(7) để cứu trợ dân chúng. Như vậy, họ đã chi 6% GDP.
Indonesia, một nền kinh tế có GDP 1.060 tỷ USD(8), chi 48 tỷ USD(9). Như vậy, họ đã chi 4,5% GDP để cứu trợ dân của họ.
Malaysia, GDP 336 tỷ USD(10), chi 36 tỷ hay 11% GDP(11) cho việc cứu trợ.
Qua các con số này, có thể nói chính quyền Việt Nam là một trong những nước chi ít nhất cho việc hỗ trợ dân chúng trong đại dịch.
Nhà nước có khả năng chi nhiều hơn không? Tôi tin rằng có.
Thứ nhất, trong 5 tháng đầu năm 2021, số vốn đầu tư của Nhà nước là 133 ngàn tỷ VND(13), tương đương khoảng 6 tỷ USD. Có tiền để đầu tư, có lẽ phải có tiền để cứu trợ. Có tiền đầu tư lâu dài, không có tiền để lo việc cấp bách trước mắt? Lạ.
Thứ hai, nợ công của Việt Nam vào năm 2016 đã là 416 tỷ USD(12), nếu có phải vay thêm khoảng 10 tỷ (khoảng 2% tổng số nợ trên) nữa để cứu trợ, chắc không phải là một gánh nặng quá lớn.
Hơn nữa, các nước khác được liệt kê ở trên có thể làm được. Tại sao Việt Nam lại không?
Nếu Nhà nước có khả năng cứu trợ dân chúng, nhưng không làm, thì lý do là gì? Có phải vì dân là nguồn thu, không phải là chỗ chi? Nếu như vậy, có phải vì dân không?
___________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/4-me-con-dap-xe-ve-nghe-an-dang-cho-tau-ve-que-20210720001312007.htm
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vnd26000bil-package-a-trust-test-07142021102206.html
https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52859947
https://tradingeconomics.com/thailand/gdp
https://www.aseanbriefing.com/news/thailand-issues-new-covid-19-stimulus-package-to-accelerate-investments/
https://tradingeconomics.com/indonesia/gdp
https://vietnamfinance.vn/neu-no-cong-la-431-ty-usd-ai-tra-no-cho-dnnn-thua-lo-2017052916334373.htm
https://tradingeconomics.com/malaysia/gdp
http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50204&idcm=188