Nguyễn Nam (thực hiện)
(VNTB) – “Việt Nam chưa có mô hình pháp luật rõ ràng” là nhận xét của phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Huy Cương, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[ads_custom_box title=”” color_border=”#0505e8″]
Ý kiến trên của ông Ngô Huy Cương nằm trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG.19.56 mang tên “Cải cách pháp luật dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam”.
Xin được trích giới thiệu như một tham khảo cho lý giải vì sao “Đã không biết sao lại bắt dân chúng chờ cả trăm năm?” mà tác giả Mỹ Thuận đã thắc mắc trong một bài viết đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 11-6-2020 (*).
Nói thêm, ý kiến của ‘người trong cuộc’ như ông Ngô Huy Cương trong vấn đề cải cách tư pháp ở đây, cũng tương tự như những kiên trì phản biện của nhà báo Phạm Chí Dũng trong các vấn đề nội chính – một lãnh vực mà ông từng có thời gian dài đến 16 năm làm ‘người trong cuộc’.
Các tít phụ trong bài là biên tập viên chọn đặt.
[/ads_custom_box]
***
Nền kinh tế của mệnh lệnh hành chính
Pháp luật trong những nền kinh tế thị trường phát triển có vai trò quan trọng nhưng không có ý nghĩa tạo lập nên nền kinh tế.
Còn ở nước ta, hệ quả tất yếu của công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế quốc dân là sự bài bác tư tưởng tư hữu và xóa bỏ tầng lớp thương nhân.
Để có được một chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, người ta ắt hẳn phải bằng ý chí quyết liệt biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội – đó chính là pháp luật- vì đơn giản theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê Nin rằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không tự nhiên hình thành trong lòng các xã hội có giai cấp người bóc lột người.
Đói và tụt hậu về kinh tế mà không thể không được thừa nhận, dù cố bao biện, khiến chúng ta phải nhiều lần kế nhau liên tiếp phục hồi kinh tế tư nhân để mang về sự sung túc, lại không gì khác hơn, bằng ý chí quyết liệt biến thành các mệnh lệnh có chế tài đặc biệt áp đặt cho toàn bộ xã hội – đó chính là pháp luật – vì nền tảng quan trọng của kinh tế tư nhân là quyền tư hữu tư liệu sản xuất và tự do kinh doanh đã bị ý chí trước đó thủ tiêu.
Vẫn là sự tùy hứng
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay là một hệ thống pha tạp bất chủ ý có căn nguyên công lý. Vì vậy có thể nói: Việt Nam hiện nay không có một mô hình pháp luật rõ ràng.
Các đạo luật, kể cả Hiến pháp, được xây dựng tùy hứng bởi các cơ quan soạn thảo và Quốc hội, thiếu nghiên cứu cơ bản và thiếu đồng bộ nghiêm trọng. Mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu hụt, bất cập và không phù hợp với đời sống xã hội là hệ quả tất yếu phát sinh từ đó.
Hiến pháp năm 2013 là sự lai tạp giữa kiểu loại Hiến pháp Soviet với kiểu loại Hiến pháp khá phổ biến ở các nước Tây Âu, nhưng nghiêng nhiều về kiểu loại Soviet (mà có thể gọi là kiểu Hiến pháp “bán xã hội”).
Bộ luật Dân sự năm 2015 pha tạp thiếu suy nghĩ giữa pháp điển hóa theo trường phái Pandectits (Đức) và trường phái Humanists (Pháp) với những thực tiễn thô nhám của Việt Nam.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) là sự kết hợp vội vã, thiếu nền tảng giữa luật hình sự Soviet và truyền thống luật hình sự của các nước Tây Âu.
Luật Thương mại năm 2015 pha trộn thiếu tính toán giữa mô hình luật thương mại Pháp, thực tiễn thiếu gọt giũa của Việt Nam với một vài quan niệm của Hoa Kỳ.
Bộ luật Lao động năm 2012 dựa trên tư tưởng phát triển kinh tế thị trường với kỹ thuật pháp lý Soviet, và một số kinh nghiệm trớ trêu về quản lý lao động của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung… Điều đáng nói là những sự lai tạp, pha tạp, pha trộn, kết hợp hay trộn lẫn này đều là hệ quả của sự thiếu cân nhắc về nhiều phương diện, chứ không phải là sự du nhập do giao lưu kinh tế, văn hóa một cách lành mạnh thông thường.
Ảnh hưởng của truyền thống Sovietique Law còn để lại khá nặng nề
Đáng chú ý là hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không có sự phân biệt đáng kể giữa luật công và luật tư. Nguyên nhân chủ yếu là do sự ảnh hưởng của truyền thống Sovietique Law còn để lại khá nặng nề.
Do vậy quan niệm về pháp luật của những người làm luật vẫn xem pháp luật được làm ra để quản lý nhà nước và để nhân dân thực hiện đúng như vậy. Bản thân trong qui trình làm luật của Quốc hội, bất kể đạo luật nào cũng bị đòi hỏi đánh giá tác động xã hội như việc thiết kế các chính sách công.
Trong khi chính thể được tổ chức tập quyền về lập pháp theo kiểu Soviet, nhưng Quốc hội Việt Nam chỉ chú ý tới việc thông qua từng đạo luật cho phù hợp với thứ tự và thời gian cũng như tên gọi thể hiện trong chương trình do mình quyết định mà quên mất sự dẫn dắt hệ thống pháp luật theo một mô hình nhất định.
Có lẽ vì vậy khâu nghiên cứu khoa học pháp lý bị xếp ở hàng thứ yếu? Chẳng thế mà Viện Nghiên cứu Lập pháp và Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tồn tại lay lắt, thiếu nhựa sống (có nghĩa là thiếu cả nhân lực, vật lực và tài lực). Tuy nhiên có một số nguyên tắc mà Hiến pháp năm 2013 định ra có thể làm kim chỉ nam cho việc soạn thảo và thông qua các đạo luật. Vấn đề còn lại là những người trong qui trình này hiểu các nguyên tắc đó như thế nào.
Hầu hết các nguyên tắc hiến định liên quan tới môi trường pháp lý kinh doanh. Song cần chú ý nhất tới ba nguyên tắc – đó là: nguyên tắc nhà nước pháp quyền; nguyên tắc tư pháp độc lập; và nguyên tắc tự do kinh doanh.
Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam có gì khác lạ?
Nhà nước pháp quyền có một hạt nhân lý luận quan trọng là nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật vì tự do của cá nhân con người.
Khác với pháp chế xã hội chủ nghĩa nơi đòi hỏi mọi cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân phải tuân thủ pháp luật một cách vô điều kiện , nhà nước pháp quyền chỉ đòi hỏi nhà nước phải tuân thủ pháp luật để bảo vệ tự do cá nhân của con người. Hai vấn đề này có thể có sự khác biệt về mục tiêu chính trị – pháp lý.
Một bên nhằm tới buộc nhà nước phải thực hiện đúng vai trò của mình và tôn thờ ý nghĩa thực sự của sự ra đời của nhà nước. Bên kia nhằm tới buộc mọi cá nhân và tổ chức phải tôn trọng sản phẩm do nhà nước làm ra – đó là pháp luật.
Hiện thời trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam thuật ngữ pháp chế xã hội chủ nghĩa không xuất hiện. Trước đó trong Hiến pháp năm 1992, pháp chế xã hội chủ nghĩa được qui định như một nguyên tắc nổi bật tại Điều 12.
Tuy nhiên một phần quan trọng của nguyên tắc pháp chế nói chung được Hiến pháp năm 2013 qui định tại Điều 46 về nghĩa vụ của công dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; nghĩa là cuối cùng thì vẫn tuân thủ cái gọi là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.
______________
Chú thích:
(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-sao-bat-dan-cho-tram-nam/
1 comment
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là đặc sản của Việt Nam