VNTB – Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB

VNTB – Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ, ngân hàng Thương mại Sài Gòn – SCB sẽ sụp đổ

 

Hôm 11-4 và 17-4,  Reuters đều đưa tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển gần 24 tỷ USD “cho vay đặc biệt” vào SCB tính đến đầu tháng 4 này.

Theo Reuters thì Việt Nam đã tiến hành giải cứu một ngân hàng có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Bà Trương Mỹ Lan đã bị kết án tử hình vì vụ lừa đảo 12 tỷ USD.

Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ, ngân hàng Thương mại Sài Gòn, còn gọi là SCB, sẽ sụp đổ. Theo một trong những tài liệu ngân hàng mà Reuters có được, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển cho SCB 592,7 ngàn tỷ đồng (tức 23,72 tỷ đô la) dưới dạng “các khoản vay đặc biệt” tính đến ngày 2-4-2024.

Vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, 67 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Holdings vào tháng 10 năm 2022, đã khiến cho người gởi tiền rút vốn khỏi ngân hàng SCB, và Ngân hàng Nhà nước cuối cùng đã bơm tiền giúp SCB.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, tiền gửi ở SCB đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ đô la vào tháng 12-2023. Với tốc độ rút tiền hiện tại, SCB có thể không còn các khoản tiền gửi vào giữa năm nay, và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10-2023.

Đến chiều ngày 12-4-2024, trong họp báo thường kỳ quý 1 năm 2024, ông Nguyễn Thắng Lợi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), đã có những thông tin về quá trình thi hành án với bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo ông Lợi, ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, các tài sản, vật chứng được chuyển giao cho cơ quan thi hành án.

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã chỉ đạo, rà soát tính pháp lý để đảm bảo cho quá trình thi hành án với bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo sau này.

“Vụ án mới tuyên ngày hôm qua (11-4), đang là án sơ thẩm, chưa có hiệu lực thi hành. Nếu phần dân sự tới đây không có kháng cáo, kháng nghị và bản án có hiệu lực thì sẽ thi hành đúng theo quy định pháp luật”, ông Lợi nói.

Cũng theo phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đơn vị đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để ngay khi bản án vụ Vạn Thịnh Phát có hiệu lực pháp luật, sẽ tổ chức thi hành án. Với vụ án về trái phiếu liên quan đến bà Lan, “khi nào có bản án hiệu lực sẽ tổ chức thi hành theo đúng trình tự thủ tục”.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mức án tử hình. Đồng thời, Hội đồng xét xử buộc bị cáo này bồi thường 673.848 tỷ đồng cho ngân hàng SCB.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã thu giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân. Các cơ quan tố tụng cũng phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ – tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD; ngăn chặn giao dịch số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Cùng với đó, 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan đã bị kê biên, gồm hàng loạt tòa nhà ở quận 1, 3, 5…; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan tới thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ Trương Mỹ Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 xe hơi và nhiều tài sản khác. Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ thêm từ các bị cáo gần 55,5 tỷ đồng và quá trình xét xử các bị cáo đã nộp thêm 73 tỷ đồng.

Như vậy về tổng thể thì việc Ngân hàng Nhà nước đã dành “các khoản vay đặc biệt” xấp xỉ 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB là quyết định không có dấu hiệu về mạo hiểm, rủi ro.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)