Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Hiện nay Quốc hội Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, nên về nguyên tắc là không chịu ràng buộc của việc phải có những tổ chức công đoàn độc lập.
Về phạm vi điều chỉnh của Công ước số 98, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung khẳng định ở nghị trường Quốc hội rằng đúng là Công ước 98 của ILO là công ước cặp đôi với Công ước số 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.
Tuy nhiên, nội dung 02 công ước khá độc lập với nhau, cụ thể như sau – vẫn theo lời của bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Công ước 87 chủ yếu quy định về quyền tự do của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động (gọi chung là công đoàn).
Công ước 98 không quy định về việc thành lập công đoàn, mà quy định về những điều kiện thiết yếu để công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả. Do đó, Công ước số 98 chỉ quy định về mối quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động, không điều chỉnh mọi mối quan hệ của công đoàn.
Việc thành lập các tổ chức của người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước số 98, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước số 87.
Theo Chương về Thương mại và phát triển bền vững tại Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản, cam kết thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.
Theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết thông qua và duy trì trong luật, và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.
Như vậy, có thể thấy, việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung theo một lộ trình mà đảng cộng sản đề ra, là sự dè dặt trong cam kết chính trị của Việt Nam về việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên ILO, và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức, nhưng Công ước 87 của ILO quy định không cho phép tổ chức đại diện các hội, đoàn được lợi dụng quyền tự do để hoạt động phi pháp. Như vậy để tránh khả năng bị “hình sự hóa” một hành vi dân sự về hoạt động hội, đoàn, cần thiết phải có Luật về Hội.
Có ý kiến về chuyện sở dĩ Việt Nam còn chần chừ chưa ký Công ước 87 của ILO, vì công ước này thể hiện mối ‘an nguy’ đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam; bởi công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập – một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.
Theo nhận xét của luật sư Hoàng Cao Sang thì Việt Nam là một quốc gia nhỏ và việc chuẩn bị cho hội nhập quốc tế cần có một thời gian nhất định.
“Tôi thấy Nhà nước Việt Nam ký kết trước những công ước nào có ít ảnh hưởng nhất và đơn giản nhất. Cụ thể là ở đây công ước 98 chỉ mang tính bước đệm, hoặc như một số người nói, chỉ mang tính đối phó, đối phó với Hội Đồng Châu Âu do họ buộc Việt Nam phải thông qua 3 công ước còn lại thì mới cho ký kết hiệp định thương mại tự do Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam.
Việt Nam đang trì hoãn việc ký công ước khó nhất là Công ước 87, vì tinh thần của công ước này là quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, phải đi liền với thương mại. Theo lộ trình, Việt Nam phải ký Công ước 87 vào năm 2023.
Nhưng tôi thấy Việt Nam dù đã ký kết các văn bản, nhưng thực hiện và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với những văn bản đó,và thực hiện pháp luật đó thường là chậm trễ so với những lộ trình dự kiến và những gì đã cam kết với quốc tế, như là trong hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu EVFTA, hay hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Việt Nam cũng luôn có nhiều cách để chứng tỏ mình có thiện chí. Tuy nhiên, thiện chí đó luôn được kéo dài. Việt Nam luôn có những động thái từng bước, từng bước, để cho người ta thấy mình có thiện chí, chứ không làm một cách hoàn toàn triệt để…”.
Hiện chỉ có thể khẳng định một điều: Việt Nam chưa thể có công đoàn độc lập trước năm 2023.