Mai Lan
(VNTB) – Ukraine yêu cầu Việt Nam tạm dừng các giao dịch thanh toán bằng thẻ Mir của Nga…
Tin tức trên Đài Á Châu Tự do RFA cho hay mạng Asia Financial loan tin ngày 10-3 rằng Ngân hàng Trung ương Ukraine hôm 9-3 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng trung ương Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan , Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ ngưng mọi giao dịch với hệ thống thanh toán bằng thẻ Mir của Nga.
Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga khuyến cáo người dân nước này sử dụng tiền mặt ở nước ngoài. Đồng thời, tổ chức này cho biết thẻ Mir có thể được sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan…
Cuối tháng 4-2021, thẻ Mir được ghi nhận hỗ trợ bởi hệ thống thanh toán Mir Pay và Samsung Pay hoạt động với điện thoại thông minh dựa trên hệ điều hành Android.
Ngày 29-10-2019, hoạt động trên thẻ “Mir” đã được thực hiện thành công với các POS (point-of-sale hay point of service, điểm thanh toán) của ngân hàng Việt Nam đầu tiên là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tin tức cho biết, ngày 29-10-2019, trong khuôn khổ chương trình Khóa họp lần thứ 22 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật, NAPAS (Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) và Trung tâm xử lý giao dịch thanh toán quốc gia của Liên bang Nga (NSPK) đã chính thức hoàn thành kết nối kỹ thuật hệ thống thanh toán thẻ nội địa và ký kết Thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Theo nội dung thỏa thuận, NAPAS và NSPK thống nhất triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên bang Nga – thẻ chip Mir tại Việt Nam.
Về kế hoạch triển khai, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) sẽ là hai ngân hàng đầu tiên trong hệ thống NAPAS tham gia cung cấp dịch vụ cho phép các chủ thẻ chip Mir có thể thực hiện thanh toán tại mạng lưới POS của Ngân hàng BIDV và rút tiền mặt tại mạng lưới ATM của Ngân hàng VRB tại Việt Nam.
Ngoài ra tại Việt Nam còn có Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.
Tính đến ngày 11-3-2022 trên trang web của BIDV không có bất kỳ thông tin gì liên quan đến giao dịch thẻ chip Mir của Nga. Trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa thấy phản hồi trước tin tức về ngừng mọi giao dịch với hệ thống thanh toán bằng thẻ Mir của Nga.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khí đốt – dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… trong thời gian tới.
Chưa kể, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá.
Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Giới chủ doanh nghiệp cho rằng hiện chưa thể dự báo chính xác diễn biến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể tìm cách “lách” hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác nếu các lệnh trừng phạt, cấm giao thương với Nga dồn dập xảy ra.
Ghi nhận tại Bình Thuận và Khánh Hòa – hai địa phương trọng điểm thu hút du khách Nga và Đông Âu, theo ông Trần Văn Bình – một nhà đầu tư du lịch ở Mũi Né có gần 30 năm sống ở châu Âu – việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế sẽ gây khó khăn cho các hãng lữ hành Nga chuyên tổ chức đưa du khách từ Nga sang Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc.
Theo ông Bình, mỗi năm có tới 500.000 khách Nga và Ukraine đến Mũi Né (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa). Hiện nhiều tour đưa khách Nga sang Việt Nam đã bị hủy. Thiệt hại lớn nhất là các resort ở Mũi Né, Nha Trang…
“Khi đã không có khách Nga thì lấy ai xài thẻ chip Mir? Còn ký kết làm ăn với Nga, thì kênh tài chính từ VRB sẽ đỡ rủi ro hơn nhiều. Do vậy nếu thật sự có yêu cầu trên từ phía Ukraine, tôi cho là không cần thiết” – một doanh nhân ý kiến.