VNTB – Việt Nam có tuân thủ quy định không hạ nhục nhân phẩm?

VNTB – Việt Nam có tuân thủ quy định không hạ nhục nhân phẩm?

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Việc tra tấn những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn là nan đề

 

Tháng 12-2014, Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ra thông cáo hoan nghênh quyết định thông qua Công ước về chống tra tấn của Quốc hội Việt Nam.

Công an Việt Nam có chấm dứt đánh tù hay chưa?

Thông cáo ra ngày 9-12-2014 tại Bangkok “hoan nghênh quyết định của Quốc hội Việt Nam hôm 28-11 thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như Công ước về Quyền của người khuyết tật.

Việc thông qua và thực hiện Công ước về chống tra tấn, 30 năm sau khi nó ra đời, là một bước quan trọng nhằm bảo đảm việc ngăn chặn và cấm hành động tra tấn, cũng như bảo đảm chữa chạy cho các nạn nhân của tra tấn”.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-12-1984, có hiệu lực thi hành ngày 26-6-1987. Trước đó, Việt Nam đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước này.

Có thật là Công an Việt Nam nghiêm chỉnh thực thi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người?

Để tránh việc suy diễn rồi ‘vận dụng’ điều luật 117 của Bộ luật hình sự đối với nhóm tác giả thực hiện loạt bài xoay quanh chủ đề Công ước về chống tra tấn mà Quốc hội Việt Nam trên trang Việt Nam Thời Báo, xin được trích tài liệu có tên “Đề cương giới thiệu tình hình thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với hành vi tra tấn  tại Việt Nam” do Bộ Công an lưu hành nội bộ, qua đó có thể thấy rằng việc tra tấn những người bị tạm giam, tạm giữ vẫn là nan đề.

Công an vẫn còn đánh tù vì trình độ nghiệp vụ hạn chế?

Vụ việc mới đây xảy ra với bà Nguyễn Thúy Hạnh được nêu trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 7-5-2022, có thể là hệ lụy của tra tấn tinh thần trong nhà tù khiến bà bị trầm cảm nặng đến mức phải chữa trị tâm thần bắt buộc.

Xin trích tài liệu liên quan, “Đề cương giới thiệu tình hình thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với hành vi tra tấn  tại Việt Nam”:

“1. Khuôn khổ pháp lý chung

– Chương II Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn…

– Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

– Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự… Đặc biệt, trong năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung mới hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ hơn; chú trọng việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước.

– Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi có tính chất tra tấn là hành vi phạm tội và có thể bị xử lý theo các tội danh khác nhau.

– Theo tinh thần của Công ước, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung tội bức cung (Điều 374); tội dùng nhục hình (Điều 373); tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384); đồng thời, tiếp tục quy định một số tội danh liên quan đến hành vi tra tấn tương tự như trong Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình (Điều 6); công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo pháp luật (Điều 7).

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các nguyên tắc: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

– Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định các nguyên tắc: tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 4); cấm nhận hối lộ, sách nhiễu trong thi hành án hình sự; cản trở người chấp hành án thực hiện quyền được đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án (Điều 9)…

– Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về việc cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (các điều 4 và 8).

– Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14).

– Luật khiếu nại năm 2011 bảo đảm quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại cho mọi cá nhân, tổ chức, trong đó có nạn nhân bị tra tấn; cấm cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại (các điều 1 và 6).

– Luật tố cáo năm 2018 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo ( các điều 1, 4, 5,8 ).

– Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (Điều 33), Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 21), Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (khoản 1 Điều 2), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (khoản 2 Điều 2, điểm b khoản 2 Điều 3, điểm b khoản 2 Điều 4), Luật Công an nhân dân năm 2014 (khoản 2 Điều 15), Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (Điều 26), Luật an ninh quốc gia năm 2004 (khoản 6 Điều 13), Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 (Điều 7)… đều quy định trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong bảo vệ quyền con người.

– Việc bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn còn được quy định trong Bộ luật lao động năm 2012, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật bình đẳng giới năm 2006, Luật báo chí năm 2016, Luật công đoàn năm 2012, Luật quốc tịch năm 2008, Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật giáo dục năm 2005, Luật phổ cậpgiáo dục tiểu học năm 1991, Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010 và Luật tiếp cận thông tin năm 2016…

– Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước cơ bản về quyền con người và một số nghị định thư của các công ước này. Việt Nam cũng tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế và đang tiếp tục nghiên cứu khả năng tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (CPED), Công ước về quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ (ICRMW), Công ước về quy chế của người tị nạn (CSR), Công ước về người không có quốc tịch (CSSP).

2. Việc áp dụng các điều ước quốc tế và vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

– Về vị trí của điều ước quốc tế: theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016 và khoản 5 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

– Về cách thức áp dụng: theo khoản 2 Điều 6 Luật điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định cách áp dụng điều ước quốc tế (trực tiếp áp dụng hoặc gián tiếp áp dụng thông qua hoạt động nội luật hóa).

– Phù hợp với quy tắc trên, các quy định của Công ước không thuộc loại điều ước quốc tế áp dụng trực tiếp. Điều 3 Nghị quyết số 83/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước chống tra tấn nêu rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước chống tra tấn”.

Như vậy, Việt Nam sẽ thực hiện nội luật hóa các quy định của Công ước, đặc biệt là việc hình sự hóa hành vi tra tấn và sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù, khiếu nại, tố cáo, dẫn độ, quản lý xuất nhập cảnh, trục xuất, trao trả…

(…)

III. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi Công ước

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cùng với tình hình chính trị ổn định và những chính sách, định hướng phát triển kinh tế, xã hội phù hợp là tiền đề và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai, thực thi Công ước.

Tuy nhiên, Bên cạnh những nỗ lực đã thực hiện và những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục để thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gia tới, cụ thể:

– Hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người chưa thật đồng bộ.

– Nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế.

– Công ước chống tra tấn là công ước về quyền con người có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai Công ước phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam.

Việc phổ biến, tuyên truyền Công ước đến toàn thể cán bộ, Nhân dân cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đối với các cán bộ công chức thì phải thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ để nâng cao năng lực và trình độ cho họ để tránh việc lạm quyền có thể xảy ra.

– Trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền trong khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra. Điều này cũng gây khó khăn nhất định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và đào tạo cán bộ.

Ở một số địa phương, đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân chưa cao hoặc những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và pháp luật Việt Nam có liên quan còn gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt về phong tục, văn hóa, vấn đề chuyển tải tinh thần của pháp luật sang các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số… (dừng trích).

Với những đoạn trích được in đậm ở trên cho thấy các cơ quan tố tụng xác nhận việc tra tấn tù ở hiện tại là có thật, và chuyện thực thi Công ước về chống tra tấn ở Việt Nam vẫn đang giai đoạn sửa đổi của yêu cầu nội luật hóa phù hợp.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)