Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lãi suất ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu tăng

Hàn Lam

 

(VNTB) – Hiện có khoảng 12 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng khác nhau.

 

Liên tục từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm tiền cho các ngân hàng thương mại qua kênh thị trường mở.

Hiện có khoảng 12 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng khác nhau. Ở mức (tăng) gần như cao nhất, ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) An Bình với lãi suất tiết kiệm 0,4 – 0,5% cho các kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. Trên kênh điện tử, các kỳ gửi đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7 phần trăm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) và ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital) hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7 – 7,1%/năm. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tăng thêm 0,4%/năm. Ngân hàng TMCP Nam Á tăng lãi suất thêm 0,1 phần trăm cho hạn gửi 6 và 9 tháng.

Biểu lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 6 tháng của SHB ghi rõ, với số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, lãi suất ở mức 5,4%, số tiền từ 2 tỷ đồng trở lên là 5,5%. Tuy nhiên, nhân viên phòng giao dịch của SHB tư vấn, khi khách làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại quầy, số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ hưởng mức lãi suất 6,7% cho kỳ hạn 6 tháng.

Trong khi đó, lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 – 0,7%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng sụt giảm cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.

Việc dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng một phần là do lãi suất huy động đang dần hấp dẫn trở lại, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, phần khác là bởi đây vẫn luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng,… đang có biến động khó lường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng, nguyên nhân chính phải kể đến là lạm phát có xu hướng tăng, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng TMCP duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.

Từ đó, ngân hàng TMCP buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào. Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, dòng tiền cần phải quay lại khu vực sản xuất, giảm bớt ở các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, tiền, vàng.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích, lạm phát tháng 4-2022 tăng từ 0,3 – 0,4% so với tháng trước và tăng 2,21 – 2,31% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa. Từ đó, ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào.

Hiện tại giá đồng đô la Mỹ đã tăng 7% so với rổ tiền tệ trong năm qua. Mỹ cần nâng lãi suất hơn bất kỳ nền kinh tế lớn, phát triển nào khác, vì GDP và thị trường lao động đang phát triển quá nóng. Lãi suất tăng sẽ khiến đồng đô la thêm hấp dẫn, trong bối cảnh nhà đầu tư ngại mạo hiểm khi xung đột Ukraine vẫn căng thẳng và dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát.

Nổi bật nhất là sự tăng giá của đồng bạc xanh so với yên Nhật. Đồng tiền này hiện ở mức thấp nhất so với USD kể từ thập niên 70.

Như vậy trong bối cảnh ngân hàng thương mại cần hút dòng tiền quay trở lại và nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất tiết kiệm, nên việc tăng lãi suất tiết kiệm là tất yếu ở hiện tại. Và ở đây cũng cần thấy rằng đang có thêm một yếu tố khác gây áp lực lên lãi suất, đó là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Tổng dư nợ tín dụng tăng cũng sẽ giúp kéo tỷ lệ nợ xấu giảm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giá đô la và vàng cùng tăng mạnh

Do Van Tien

VNTB – Khát vốn

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Giá cổ phiếu Vinfast giảm còn 9,72 USD trên sàn chứng khoán Nasdaq

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo