Thiền Lâm
(VNTB) – Công luận đang chờ đợi hành động trả đũa của chính quyền Việt Nam. Liệu họ có đủ can đảm để trục xuất một nhân viên người Đức?
Buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 3/8/2017 ở Hà Nội đã lộ diện phản ứng yếu ớt đầu tiên của Việt Nam sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, đồng thời trục xuất viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức theo quy chế “người không được hoan nghênh” (persona non grata) – một cấp độ phản ứng mạnh mẽ trên phương diện ngoại giao quốc tế – trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Đối diện với nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng ông Thanh bị bắt cóc và đưa về Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chỉ: “Thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công An đã được báo chí đăng tải. Theo đó, trong cùng ngày, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra”.
Về các thắc mắc xung quanh tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bà rất tiếc về phát ngôn này. Người Phát ngôn khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức”.
Tuy “lấy làm tiếc”, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không có một câu hay từ ngữ nào phủ nhận việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc như cáo buộc của phía Đức.
Cần nhắc lại, người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau khi nhiều hãng tin tức lớn trên thế giới như AP, AFP, DPA dồn dập loan tin về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, ông Martin Schaefer, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức đã nói với các phóng viên rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa về sự tham gia của các cơ quan tình báo Việt Nam và đại sứ quán… trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam tại Berlin.”
Vụ bắt cóc, ông nói, “là một vi phạm chưa từng có và thô bạo đối với luật pháp Đức và quốc tế” và “có tiềm năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến những mối quan hệ một cách nghiêm trọng”.
Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ “bội tín”. Bởi sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin và khi Bộ Ngoại giao Đức phải lên tiếng phản đối chính thức, giới quan chức ngoại giao Đức mới tiết lộ rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu yêu cầu “dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam” với Thủ tướng Angela Merkel.
Phía Đức kết thúc bản tuyên bố phản đối bằng “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển”.
Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại. Công luận đang chờ đợi hành động trả đũa của chính quyền Việt Nam. Liệu họ có đủ can đảm để trục xuất một nhân viên người Đức?
Hay sau nhiều cuộc họp khẩn từ hôm qua đến giờ, họ đã gián tiếp thừa nhận hành vi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cố gắng “nuốt nhục” cho qua chuyện?