Quang Nguyên
(VNTB) – Chính sách đàn áp tôn giáo của ĐCSVN vì tin rằng tôn giáo, không những không phù hợp, mà còn cản bước tiến đi lên, cần phải bị xóa bỏ khỏi xã hội.
Bài 2: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Công cụ chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Bài 1: Các trợ cụ đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam
Sau khị thất bại dùng bạo lực đàn áp tôn giáo, ĐCSVN xoay qua chiến thuật tinh vi và mềm dẻo. Đảng dùng chính tôn giáo làm công cụ trợ lực phá hoại tôn giáo qua các tổ chức tay sai như Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Chi Phái Cao Đài 1997, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ( GHPGVN) để đánh phá Công Giáo, Cao Đài, Phật Giáo trong nước.
Từ sau năm 1975 chính quyền Việt Nam đã muốn giải tán Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), một giáo hội được tất cả các giáo hội Phật Giáo tại Nam Việt Nam đồng thuận, thành lập, hoàn toàn độc lập, không chịu chi phối bởi chính quyền hay bất cứ thế lực nào. Cả chính quyền Việt Nam Cộng Hoà và Bắc Việt hay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đều thất bại trong việc cố gắng mua chuộc giáo hội.
Chính quyền cộng sản đã nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí đe dọa các bậc tôn túc của giáo hội nhưng bất thành. Biết không thể biến GHPGVNTN thành tay sai, ĐCSVN quyết định xóa bỏ giáo hội. Các đức Tăng Thống Huyền Quang, Quảng Độ bị an trí, cô lập, giam lỏng, bị bỏ tù. Các tinh hoa của Gíao Hội như Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sĩ bị kết án tử hình. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Ni Sư Thích Trí Hải … bị tù đày. Nhưng dù bị bức bách, với tinh thần vô úy, đại từ bi, nhẫn nại, yêu quốc gia dân tộc và đạo pháp, Giáo Hội đã nhiều lần lên tiếng khuyên nhủ, yêu cầu ĐCSVN thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo. Những lời khuyên chỉ như nước đổ đầu vịt. Đã không nới lỏng tự do tôn giáo và cho GHPGVNTN hoạt động, ĐCSVN, với sự nham hiểm hết sức tinh xảo, dựng nên tổ chức GHPGVN làm trợ cụ phá hoại GHPGVNTN và Phật giáo.
Năm 2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được phép trở lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và cả Thiền sư Nhất Hạnh xem việc trở về sau nhiều năm lưu vong như một trò kéo cưa lừa xẻ. Việt Nam mở cửa cho Thích Nhất Hạnh chỉ để rêu rao với cộng đồng quốc tế như một chứng minh cho thấy họ tôn trong quyền tự do tôn giáo. Thích Nhất Hạnh nhân cơ hội này tìm cách khuyên ĐCSVN thay đổi, không chỉ thay đổi về cách cai trị dân, mà còn với đạo Bụt, với các tôn giáo… Sư Ông Làng Mai thất bại, không thể xin nhà nước cộng sản cởi trói cho GHPGVNTN, không thể xin phép cho Làng Mai hoạt động tại Việt Nam mà không nằm trong GHPGVN, không được thỏa mãn yêu cầu bãi bỏ Ban Tôn Giáo Chính Phủ mà ông gọi là tổ chức Công An Tôn Giáo của đảng.
Chính phủ Việt Nam không ngờ sự ve vuốt lấy lòng của mình với ngài thiền sư nổi tiếng thế giới để đánh bóng cho bộ mặt của đảng lại bị cú bất ngờ với những đòi hỏi quá đáng và thái độ không thuần phục, biết ơn, họ trả thù ông qua vụ chùa Bát Nhã, đuổi hết tăng thân, giáo thụ Làng Mai ra khỏi nước. Thích Nhất Hạnh lại một lần ngậm ngùi lưu vong, chỉ còn rút ra được kinh nghiệm đau thương rằng, quan chức cộng sản và tu sĩ chức sắc trong GHPGVN luôn là những kẻ thích chơi trò “hai mặt” (1)
Không ai, như cả nhà lãnh đạo được đề cử Giải Nobel Hòa bình của GHPGVNTN Thích Huyền Quang hay Thích Quảng Độ, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, mà có lẽ cả Giáo Hoàng, Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể khuyên bảo, đưa ra kế sách gì để thay đổi đường lối của ĐCSVN, nhất là về chính sách đối đãi tàn ác với các tôn giáo của họ.
ĐCSVN không thay đổi mục tiêu tiêu trừ tôn giáo mà chỉ thay đổi chiến thuật, dựng nên các trợ cụ đánh phá tôn giáo tinh vị, xảo quyệt hơn (2)
GHPGVN cánh tay nối dài của ĐCSVN
GHPGVN được dựng nên năm 1981. Các nhà lãnh đạo của giáo hội này từng hàm ý tằng họ không phải một nhóm chính trị, phụ thuộc, làm công cụ đánh bóng và tiếp tay đảng phá đạo, phá đời. Bản Hiến chương sau bảy lần sửa đổi của GHPGVN vẫn không dấu diếm được sự dối trá và cúc cung cúi đầu thuần phục, trung thành với đảng.
Ngay từ lời nói đầu bản hiến chương (3) đã cho thấy GHPGVN có khuynh hướng chính trị. Mục tiêu “phụng sự lý tưởng Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội,” đã xác định rõ ràng lập trường chính trị của GHPGVN. Kết hợp tôn giáo với chủ nghĩa xã hội (XHCN) trong mục tiêu của GHPGVN biểu lộ sự cam kết với hệ thống chính trị hiện hành của Việt Nam, cụ thể là sự lãnh đạo của ĐCSVN và đường lối phát triển theo tư tưởng vô thần Marx-Lenin.
GHPGVN gắn kết với chính quyền qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) giống 67 hội đoàn khác, như Liên Minh Hợp Tác Xã hay hội Cựu Công An Nhân Dân VN … Tuy vậy, nói cho rõ, tổ chức GHPGVN được ĐCSVN xem quan trọng hơn nên trước lúc khai mạc phiên họp thành lập GH này, ngày 12-2-1980 ông Nguyễn Văn Linh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương đã đến thăm và nói chuyện về nhiệm vụ của giáo hội đối với dân tộc.
1. Lập trường chính trị của GHPGVN
GHPGVN, là thành viên của MTTQVN, chấp nhận hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trung thành với chính quyền XHCN và những nguyên tắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra. Bản Hiến chương của Giáo hội chịu ảnh hưởng mạnh từ các nguyên tắc của MTTQVN và ĐCSVN. Đương nhiên chức sắc trong Giáo hội phải chịu sự giám sát của nhà nước, ngược lại họ cũng được ban nhiều ân huệ. Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN tại vị suốt đời và có quyền lợi tương đương thứ trưởng. GHPGVN, dù là một tổ chức tôn giáo, cũng có vai trò chính trị quan trọng, đặc biệt trong việc củng cố sự ổn định và ủng hộ chế độ
Ngoài ra, Hiến chương cũng được cho là hạn chế các tổ chức Phật giáo khác, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), vốn không được nhà nước công nhận và chịu nhiều sự đàn áp. GHPGVNTN liên tục bị hạn chế hoạt động, chùa chiền bị đập phá, nhiều tu sĩ bị đuổi khỏi chùa và bị chính quyền sách nhiễu.
2. GHPGVN là nhân tố gây chia rẽ dân tộc và xung đột
Lập trường quốc gia-dân tộc thường mang ý nghĩa bảo vệ lợi ích của dân tộc mà không ràng buộc vào bất kỳ ý thức hệ chính trị cụ thể nào. Những người có lập trường quốc gia tập trung vào các giá trị truyền thống và nhân quyền.
Việc GHPGVN công khai ủng hộ và tích hợp chủ nghĩa xã hội làm nảy sinh ra sự chia rẽ giữa những người Việt có lập trường quốc gia mà không ủng hộ XHCN. Đối với những người này, việc GHPGVN gắn kết với chủ nghĩa xã hội có thể được xem là một sự phản bội lý tưởng quốc gia, dân tộc hoặc các chức sắc GHPGVN sử dụng tôn giáo để củng cố quyền lực chính trị. Các trụ trì giàu có thường được quan chức địa phương kính trọng, nhiều tu sĩ được đưa ra làm đại biểu quốc hội.
Phật Tử trung thành với GHPGVNTN cảm thấy không hài lòng. Họ có thể coi việc gắn kết tôn giáo với một hệ thống chính trị XHCN là một mối đe dọa đối với tự do tôn giáo và quyền tự do cá nhân. Ngay cả cá nhân và nhóm có lập trường quốc gia dân tộc, dù không là Phật tử, có thể xem GHPGVN là một tổ chức tôn giáo đã biến thành công cụ chính trị của ĐSVN để trấn áp những ai không đồng tình với hệ tư tưởng XHCN.
3. GHPGVN không sòng phẳng về tài sản
GHPGVN rất tham lam, nhập nhằng trong vấn đề tài chính và tài sản.
Tài liệu của UỶ HỘI TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ HOA KỲ – USCIRF – State-Controlled Religion and Religious Freedom in Vietnam cho biết giáo hội này, “ hưởng lợi từ việc chính phủ tịch thu các chùa thuộc GHPGVNTN. Theo Chương VIII của Quy chế GHPGVN, khi một chùa gia nhập hoặc được chuyển giao cho GHPGVN, đất đai và tài sản của chùa, cũng như tất cả tài sản cá nhân đứng tên trụ trì chùa, sẽ trở thành tài sản của GHPGVN”.
Nếu trụ trì đã chính thức gia nhập GHPGVN và vì một lý do nào đó, như phạm giới, hay không làm hài lòng giáo hội, trụ trì bị đuổi khỏi Giáo hội, hội đồng Trị sự của GHPGVN có quyền bổ nhiệm hoặc thay đổi trụ trì theo quy định của Hiến chương.
Trường hợp tu sĩ Thích Nhuận Nghi (chùa Từ Đức, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bị trục xuất. Chùa của ông bị “giao cho ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Vĩnh Cửu tiếp nhận, quản lý tài sản chung của giáo hội như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến tự viện; khuôn dấu của tự viện; 6 tỉ đồng và điều hành mọi hoạt động của chùa Từ Đức (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu).(5)
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, “Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. Còn căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện địa phương. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. Việc [sư Toàn] lý luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân thuộc về Tăng. Nếu [sư Toàn] không đại diện của Tăng, của Tam Bảo thì không ai công đức cho thầy”,
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm hơn 6.000 m2 đất quanh chùa Nga Hoàng do sư Toàn đứng tên là đất nông nghiệp, một số là đất thủy lợi. Dù việc đứng tên có đúng theo Luật Đất đai nhưng chiểu theo luật nhà Phật, với một vị Tỳ kheo, tất cả tài sản thuộc về Tăng (Tăng đoàn).(6)
Nếu chùa là tài sản riêng của trụ trì, việc ông bị đuổi khỏi GHPGVN có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, nếu ông muốn tiếp tục quản lý chùa nhưng không còn là thành viên của GHPGVN, ông có thể gặp khó khăn về pháp lý và quan hệ với chính quyền. Nhà nước Việt Nam có xu hướng công nhận và quản lý các hoạt động tôn giáo thông qua các tổ chức được nhà nước công nhận, như GHPGVN. Do đó, chùa không còn trực thuộc GHPGVN có thể bị giám sát chặt chẽ hơn và gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tôn giáo. Đây là trường hợp của sư Thích Minh Đạo, người bênh vực thầy Thích Minh Tuệ.(7)
Khi gia nhập GHPGVN, về nguyên tắc, chùa vẫn thuộc sở hữu của cộng đồng Phật tử hoặc của cá nhân/trụ trì theo các quy định pháp lý hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, quyền quản lý và điều hành chùa sẽ phải tuân theo quy định của GHPGVN. Điều này có nghĩa rằng: Chùa sẽ chịu sự giám sát và chỉ đạo từ Hội đồng Trị sự của GHPGVN, đặc biệt là trong các hoạt động tôn giáo, tài chính và quan hệ với chính quyền. Hội đồng Trị sự có thể can thiệp vào việc điều hành, bổ nhiệm hay thay đổi trụ trì nếu cần thiết, nhằm đảm bảo rằng chùa hoạt động theo đúng quy định và chính sách của Giáo hội.
Chính quyền Việt Nam, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan nhà nước, có sự giám sát và kiểm soát nhất định đối với GHPGVN. Vì vậy, các chùa thuộc GHPGVN cũng nằm trong mạng lưới chịu sự quản lý của cả Giáo hội lẫn chính quyền, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến tài sản và hoạt động tôn giáo. Chùa và trụ trì sẽ phải tuân theo các quy định của Giáo hội, đặc biệt là về quản lý tài sản và các hoạt động tôn giáo. Điều này làm giảm quyền tự chủ của chùa, đồng thời tăng cường sự giám sát và quyền lực của GHPGVN và chính quyền.
Từ khi GHPGVN được dựng nên, phần lớn các tu sĩ thuộc GHPGVNTN bị chính quyền dùng cách này, cách khác ép buộc phải gia nhập GHPGVN. Hàng ngàn chùa chiền, tự viện, cơ sở kinh doanh, ấn loát, trường học, trong đó có những cơ sở do Phật tử cúng dường, của GHPGVNTN trở thành sở hữu của GHPGVN.
Mạch Sống Media (8) viết, “..các tăng sĩ và các cộng đồng phật tử đang sinh hoạt tôn giáo độc lập. [Đây] là nhóm những người có nhu cầu cần xây dựng chùa để có nơi sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không cho phép các cộng đồng tôn giáo được xây dựng cơ sở tôn giáo. Lợi dụng các quy định trái luật quốc tế này, GHPGVN đã mời chào các vị tăng sĩ và các cộng đồng phật tử đang sinh hoạt độc lập gia nhập tổ chức của họ, hiến tặng đất đai và tài sản của mình cho họ để được nhân danh họ xây dựng chùa. Vì lầm tưởng họ là người tốt đang giúp đỡ mình lách được luật nên nhiều tăng sĩ đã làm văn bản tình nguyện tham gia và tự nguyện tuân thủ hoạt động theo sự chỉ đạo của họ. Đồng thời, cũng trong văn bản này còn có nội dung tình nguyện hiến tặng đất và tài sản cho họ. Chỉ đến lúc này, các tăng sĩ độc lập mới nhận ra mình bị lừa và phải đứng trước hai sự lựa chọn đều rất nghiệt ngã. Phần lớn các tăng sĩ đều chấp nhận bị đồng hoá để trở thành một một kẻ lừa đảo phật tử như các thành viên đã bị tha hóa trong GHPGVN. Hoặc là phải tự rời bỏ tổ chức này và phải chấp nhận mất trắng đất, tài sản mà mình và phật tử bấy lâu nay đã chung tay xây dựng.
Cả hai hành vi trên của các tăng sĩ thuộc GHPGVN đều được định danh bằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự. Bởi vì chúng đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm.”
Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo đuổi mục tiêu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” không chỉ là một tuyên bố tôn giáo mà còn là một lập trường chính trị. Đạo pháp và dân tộc chỉ là cái vỏ che đậy sự lệ thuộc hoàn toàn vào ĐCSVN.
Giáo hội này tiếp tay với chính quyền đàn áp các tôn giáo khác, và tước đoạt chùa, tu viện của người vào GH hay không, đặc biệt là GHPGVNTN. Việc GHPGVN làm công cụ cho chính quyền, không trung lập trong ý thức phục vụ đạo pháp, dẫn đến sự mâu thuẫn với những người không ủng hộ chủ nghĩa xã hội, người có lập trường quốc gia dân tộc. GHPGVN có nguy cơ gây ra xung đột ý thức hệ trong xã hội, điều hoàn toàn phản lại đức từ bi, hiếu sinh của Đạo Phật.
Bài 3: GHPGVN can thiệp vào việc thực hành và hoạt động của các tông phái phật giáo khác.
_____________________
Tham khảo:
Tricycle: The Buddhist Review https://tricycle.org/article/buddhism-under-vietnams-thumb/
(1)Thư Làng Mai.
(2)https://vietnamthoibao.org/vntb-chinh-quyen-viet-nam-pha-hoai-ton-giao-ra-saobai-1/
(5) https://tienphong.vn/chuyen-gi-xay-ra-neu-su-toan-khong-tra-khoi-tai-san-300-ty-cho-chua-post1142742.tpo
(6)https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvg32dgle1mo