Ba Khía (*)
Phần 2: Phải bảo vệ nạn nhân theo chính luật hiện hành của mình
Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi hạng 3 về tình trạng buôn người và tránh khỏi các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phân loại và áp dụng nếu thực hiện đồng bộ cả 4 hành động sau đây:
– Trừng phạt thích đáng tội phạm buôn người;
– Bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân;
– Thực thi các biện pháp phòng chống tội phạm buôn người có hiệu quả;
– Hợp tác với mọi thành phần trong quốc gia và quốc tế để phòng chống, trừng phạt tội phạm buôn người và bảo vệ nạn nhân.
PHẦN 2: CÁC BIỆN PHÁP VIỆT NAM PHẢI BẢO VỆ NẠN NHÂN THEO CHÍNH LUẬT HIỆN HÀNH CỦA MÌNH
Các Điều 6 và 8 trong Nghị Định Thư Palermo (Nghị Định Thư Về Việc Ngăn Ngừa, Phòng Chống và Trừng Trị Việc Buôn Bán Người, Đặc Biệt Là Phụ Nữ và Trẻ Em – bổ sung cho Công Ước Về Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia Của Liên Hiệp Quốc) là quy định về nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên của công ước phải áp dụng các biện pháp bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân của tội mua bán người.
Các biện pháp bảo vệ nạn nhân nằm ngay trong chính hành động trừng phạt thích đáng tội phạm mua bán người.
Quyền lực nhà nước là đối tượng duy nhất trong một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thẩm quyền xác định và trừng phạt tội phạm. Trừng phạt tội phạm không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các chế tài hình sự đối với kẻ phạm tội mà còn phải tiến hành đồng bộ các chế tài dân sự trong hoạt động tố tụng hình sự để giúp nạn nhân nhận được một khoản bồi thường dân sự thoả đáng. Các Điều 30, 62, 63 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015, các Điều 584, 585, 588, 589, 590, 591, 592, 593 Bộ Luật Dân Sự 2015 và một phần nội dung còn hiệu lực của Nghị Quyết 03/2006/NQ-HĐTP là các căn cứ trong luật và quy phạm pháp luật hiện hành để bảo vệ nạn nhân trong hoạt động tố tụng hình sự. Đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là một hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, lợi dụng hoạt động này, một số công ty môi giới lao động đã biến thành hoạt động phạm tội buôn người có tính tổ chức được bảo kê của quan chức Việt Nam. Một hợp đồng đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhằm làm tin để lừa đảo nạn nhân đi ra nước ngoài bán cho những kẻ sử dụng phải được coi là chứng cứ của phương thức thủ đoạn phạm tội. Việc nhà nước Việt Nam xác định đây là một quan hệ trong hợp đồng để để mặc hai bên giải quyết dân sự với nhau là không thỏa đáng.
Song song với các biện pháp bảo vệ thì nhà nước Việt Nam còn phải thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Có ít nhất 26 quy phạm nhà nước Việt Nam đã tự đặt ra đối với mình bao gồm: Điều 4, 5, 6 Luật Phòng, Chống Mua Bán Người 2011; Điều 3, 19, 20, 21, 22, 23, 24 Nghị Định 09/2013/NĐ-CP; Điều 2, 11, 12, 13, 14, 15, 16 Thông Tư 35/2013/TT-BLĐTBXH; Điều 1, 2, 3, 4, 5 Thông Tư Liên Tịch 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH, Điều 2, 3, 4, 5 Thông Tư 84/2019/TT-BTC. Các quy định này bao gồm đầy đủ việc nạn nhân sẽ nhận được tiền trợ cấp, tiền hỗ trợ nơi ăn ở, chi phí y tế trong đó có chi phí phục hồi tâm lý, chi phí pháp lý, chi phí hồi hương, chi phí tái hòa nhập cộng đồng và tìm việc làm mưu sinh…
Tiếc thay, cho đến nay, hàng trăm lao động nữ và trẻ em bị các công ty xuất khẩu lao động bán sang Ả Rập Xê Út vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một sự giúp đỡ vật chất và tinh thần nào từ phía nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng chưa một cá nhân nào trong đường dây mua bán người ra nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động phải ra hầu toà. Rõ ràng, bằng cách hành xử như vậy, nhà nước Việt Nam đã tham gia vào hai việc đó là che giấu tội phạm và bỏ mặc không cứu giúp nạn nhân đã bị mua bán.
Việt Nam có vi phạm các cam kết nghĩa vụ với Nghị Định Thư Palermo và xứng đáng bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp hạng 3 về buôn người hay không? Xin để chính bạn đọc bình luận.
_____
Điều 6 Nghị Định Thư Palermo về nghĩa vụ hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân của việc buôn bán người
- Trong những trường hợp thích hợp và trong chừng mực có thể theo pháp luật trong nước, mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo vệ sự riêng tư và nhân thân của các nạn nhân của việc buôn bán người bằng những biện pháp, bao gồm, không kể những biện pháp khác, việc tiến hành tố tụng pháp lý đối với hành vi buôn bán đó một cách bí mật.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng hệ thống pháp luật và hành chính của nước mình có những biện pháp để cung cấp cho các nạn nhân của việc buôn bán người:
- a) thông tin thích hợp về toà án và thủ tục hành chính;
- b) sự hỗ trợ để các nạn nhân được trình bày các quan điểm và mối quan ngại của họ và được xem xét trong những giai đoạn thích hợp của quá trình tố tụng hình sự đối với người phạm tội, theo cách thức không làm ảnh hưởng đến quyền bào chữa.
- Mỗi quốc gia thành viên sẽ cân nhắc việc áp dụng những biện pháp để các nạn nhân của việc buôn bán người có thể phục hồi về thể chất, tinh thần và xã hội, tùy từng trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên quan khác và các thiết chế xã hội dân sự, và đặc biệt là cung cấp:
- a) nơi ở thích hợp;
- a) những hướng dẫn và thông tin, đặc biệt đối với các quyền hợp pháp của các nạn nhân của việc buôn bán người bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được;
- c) hỗ trợ y tế, tinh thần và vật chất; và
- d) các cơ hội việc làm, giáo dục và đào tạo.
- Trong khi áp dụng các quy định của điều này, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét đến độ tuổi, giới tính và những nhu cầu đặc biệt của nạn nhân của việc buôn bán người, cụ thể là những nhu cầu đặc biệt của trẻ em, bao gồm cả nhà ở, giáo dục và sự chăm sóc thích hợp.
- Mỗi quốc gia thành viên sẽ cố gắng bảo đảm sự an toàn thân thể cho các nạn nhân của việc buôn bán người khi họ đang ở trong lãnh thổ của quốc gia đó.
- Mỗi quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng trong hệ thống pháp luật quốc gia của mình có các biện pháp giúp cho các nạn nhân của việc buôn bán người có thể được đền bù cho những thiệt hại mà họ phải chịu.
…
(*) Tác giả là một luật gia cộng tác với trang mạng Đề Án Dân Quyền Việt Nam. https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights