Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi hạng 3 về buôn người (Phần 3)

Ba Khía(*)

 

(VNTB) – Việt Nam phải thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm buôn người

 

Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi hạng 3 về tình trạng buôn người và tránh khỏi các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phân loại và áp dụng nếu thực hiện đồng bộ cả 4 hành động sau đây:

– Trừng phạt thích đáng tội phạm buôn người;

– Bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân;

– Thực thi các biện pháp phòng chống tội phạm buôn người có hiệu quả;

– Hợp tác với mọi thành phần trong quốc gia và quốc tế để phòng chống, trừng phạt tội phạm buôn người và bảo vệ nạn nhân.

Thực thi nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống tội phạm buôn người là nghĩa vụ bắt buộc với mọi quốc gia tham gia Nghị Định Thư Palermo (Nghị Định Thư Về Việc Ngăn Ngừa, Phòng Chống và Trừng Trị Việc Buôn Bán Người, Đặc Biệt Là Phụ Nữ và Trẻ Em – bổ sung cho Công Ước Về Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia Của Liên Hiệp Quốc). Nghĩa vụ này được quy định trong các Điều 9, 10, 11, 12 và 13 của nghị định vừa nêu.

Có rất nhiều vấn đề để xem xét và đánh giá nội dung này có được thực hiện nghiêm chỉnh hay không. Tất cả những vấn đề được liệt kê đều có mối liên quan mật thiết với nhau và phải hiểu trong nghĩa suy diễn.

Thứ nhất là vấn đề có đủ các điều luật để trừng phạt tội phạm buôn người hay không. Việc thiếu các điều luật sẽ dẫn đến tình trạng có các lỗ hổng pháp lý khiến các thành phần tội phạm tìm mọi cơ hội để tiếp tục hoạt động. Khi luật còn thiếu thì việc cần phải làm đó là bổ sung các điều luật mới.

Thứ hai là vấn đề có thực thi nghiêm túc các điều luật đã có hay không. Bởi lẽ, nếu có đủ luật nhưng không triển khai trong thực tế thì đó chỉ là luật dùng để trang trí thậm chí là che đậy dư luận.

Thứ ba là vấn đề có sửa đổi những điều luật vô tình đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho tội phạm buôn người phát triển hoặc kìm hãm quá trình đấu tranh chống loại tội phạm này hay không.

Những vấn đề vừa nêu chỉ có thể được giải quyết tốt nhất khi nhà nước Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của các cá nhân và tổ chức xã hội ngoài chính quyền. Bởi vì thực tế đã chứng minh rằng không có một bộ máy quản trị quốc gia nào có đủ năng lực để rà soát, phát hiện và phản biện những thiếu sót hay sự quan liêu của chính guồng máy ấy. Trong khi các nguồn lực bên ngoài nhà nước lại vốn phong phú, đa dạng và mang tính thực tế rất cao. Lấy ví dụ như quy định về tiền đặt cọc của người lao động khi ký hợp đồng xuất khẩu lao động đã được nhiều tổ chức xã hội dân sự cho rằng đã đưa nạn nhân vào đường cùng để họ bị nhóm tội phạm buôn người khai thác dùng để bắt chẹt. Do đó, nếu chấp nhận các khuyến nghị của các thành phần trong xã hội cùng tham gia đấu tranh phòng chống buôn người thì nhà nước sẽ phải tự đặt mình trong vai trò sửa đổi quy định này như thế nào để vừa đáp ứng nguyên tắc dân sự về đặt cọc nhưng đồng thời không tạo nên tình trạng yếu thế cho những người có thể trở thành nạn nhân bị buôn người.

Vấn đề hợp tác với các cá nhân và tổ chức ngoài chính quyền cùng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người còn phải bắt đầu từ việc tôn trọng quyền được lập hội và quyền tự do ngôn luận của mọi người. Bởi lẽ, không có hệ thống tuyên truyền nào tốt hơn, nhanh nhạy hơn và sát với nạn nhân hơn thông tin từ các cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống. Các quy định của pháp luật, các mưu gian của kẻ buôn người chỉ có thể được cảnh báo tốt nhất cho nạn nhân từ chính những người trong cộng đồng. Việc mọi người, mọi tổ chức tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ khi đã được luật hoá bằng Điều 5 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Điều 19, Điều 22 Luật Phòng Chống Mua Bán Người. Vấn đề mấu chốt là ngay khi đã luật hóa nghĩa vụ và quyền cho mọi người phải cùng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng nhà nước Việt Nam đã thực thi nghiêm túc điều luật đó hay chưa. Trong bài cuối cùng của loạt bài này, chúng tôi mời mọi người đánh giá nhà nước Việt Nam qua một đơn tố giác của một tổ chức tôn giáo đã được gửi đi trong tháng 8 năm 2022.

(*) Tác giả là một luật gia cộng tác với trang mạng Đề Án Dân Quyền Việt Nam. https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam không phủ nhận vấn nạn buôn người đang ngoài tầm kiểm soát

Do Van Tien

VNTB – Hãy chung tay bài trừ tận gốc nạn buôn người có hệ thống ở Việt Nam ( Bài 1)

Do Van Tien

VNTB – Thảm kịch xe tải Essex phải thúc đẩy việc ngăn chặn nạn buôn người từ Việt Nam

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 17.10.2022 8:22 at 08:22

Dễ ợt! chỉ cần soạn báo cáo láo “nước chúng tôi đã dẹp xong nạn buôn người” gởi lên LHQ là xong!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo