Định Tường
(VNTB) – Việt Nam hiện có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở Cao Bằng và Nghệ An chưa qua 21 ngày.
Ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận xuất hiện rải rác các ổ dịch cúm gia cầm do vi-rút cúm A/H5N1 gây ra.
Hiện tại, cả nước chỉ còn 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Nghệ An, Cao Bằng chưa qua 21 ngày, nhưng 5.000 con gia cầm ở các ổ dịch này đã được cơ quan thú y, chính quyền địa phương xử lý, tiêu hủy và chưa ghi nhận sự lây lan.
Từ văn bản đề xuất liên quan vấn đề trên của Cục Thú y, ngày 26-2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY của Bộ này gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1.
Theo đó, khi bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay nhưng trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Công điện cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Thú y và đơn vị liên quan thuộc Cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, ngày 24-2, Viện Pasteur TP.HCM gửi công văn khẩn đến giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phía nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi tại Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Viện Pasteur TP.HCM cũng đề nghị các địa phương truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch bệnh gia cầm như không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang.
Tháng 10-2022, một mẫu bệnh phẩm của bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, và cho kết quả dương tính với cúm A(H5). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014, tức hơn 8 năm qua không ghi nhận.
Được biết, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sinh sống chưa phát hiện hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có biểu biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống như bệnh nhi.
Thông tin thêm về ca bệnh này, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y, địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường. “Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng” – PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Ngày 26-2-2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng có công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc tăng cường phòng chống cúm A (H5N1). Theo văn bản này, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Công an TP.HCM… được yêu cầu chỉ đạo các lực lượng liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh động vật các cấp.
Các lực lượng trên sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ, chế biến gia cầm không qua kiểm dịch, không đúng quy định…