Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ lại “giãn cách” vì Covid?

Phú Nhuận

(VNTB) – Tại một số bệnh viện, số bệnh nhân Covid-19 đang tăng rõ rệt so với một vài tháng trước. Với sự xuất hiện và tốc độ lây lan nhanh của biến chủng BA.5, các chuyên gia lo rằng, có thể xuất hiện đợt dịch Covid-19 mới.

Trong những ngày gần đây báo chí Việt Nam đưa tin tức về diễn biến Covid-19 với hàm ý đe dọa lại sẽ có các ‘phiên bản’ năm 2022 của “chỉ thị 16” đầy ám ảnh về “giãn cách – cách ly” mà người Sài Gòn đã phải tang thương từ giữa năm ngoái với đủ kiểu ‘lockdown’…

Hà Nội: tăng nội trú bệnh nhân Covid-19

Một báo cáo nhanh ghi nhận từ bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) – cho biết trong tuần qua, số bệnh nhân Covid-19 đến đây khám gia tăng. Riêng trong ngày 5-7, có 20 bệnh nhân Covid-19 đến khám, nhiều gấp bốn lần so với tuần trước. Các bệnh nhân đến khám ở đủ các lứa tuổi, từ trẻ em tới người già. Các ca bệnh được chỉ định nhập viện tại đây hầu hết có bệnh lý nền nặng.

Số liệu của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thì trong tháng Tư và tháng Năm, mỗi ngày, khoa này chỉ tiếp nhận 1 – 2 ca mắc Covid-19 từ nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư. Tuy nhiên, trong hai tuần trở lại đây, số ca đang có xu hướng tăng lên: mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 7 – 10 bệnh nhân. Do số ca bệnh nặng tăng gấp đôi, bệnh viện đã phải ưu tiên thêm giường điều trị. Bệnh viện này đang điều trị nội trú cho 70 bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, có nguy cơ trở nặng.

Số bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch do Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận cũng tăng. Một tháng trước, đơn vị này chỉ nhận 1 – 2 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nhưng hiện đang nhận 4 – 5 bệnh nhân, thậm chí 7 bệnh nhân/ngày.

Sài Gòn: nhiễm biến chủng mới sẽ tự khỏi nhanh thôi

Một ghi nhận từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC) cho biết có hai ca nhiễm biến chủng Omicron BA.4 vừa được phát hiện ở TPHCM là người trong cùng gia đình, sống ở phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Trước đó, các bệnh nhân này có các triệu chứng như bị cảm sốt với biểu hiện đau đầu, nhức mỏi toàn thân. Mẹ của hai bệnh nhân này bị mắc Covid-19 và cả hai cùng tiếp xúc gần với mẹ.

Hai trường hợp nói trên đã tự xét nghiệm nhanh tại nhà và cho kết quả dương tính với Covid-19. Lúc khai báo trên hệ thống, người bệnh đã được nhân viên trạm y tế phường lấy mẫu xét nghiệm, đưa sang Viện Pasteur giải trình tự gen, mới biết bị nhiễm chủng BA.4.

Một trường hợp được xác định nhiễm chủng BA.5 là một bé gái 11 tuổi, ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Bé gái này bắt đầu ho và sốt 38,5 độ C từ ngày 20-6, tự xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với vi-rút gây bệnh Covid-19. Sau đó bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm và gửi đi làm giải trình tự gen của vi-rút với kết quả nhiễm chủng BA.5.

Đến nay, hai trường hợp ở thành phố Thủ Đức đã khỏi bệnh và đi làm trở lại; bé gái ở huyện Củ Chi vẫn đang được cách ly tại nhà. Nơi ở của cả ba bệnh nhân đều được khử khuẩn. Tất cả trường hợp tiếp xúc gần với ba ca bệnh này đã được thông báo tự theo dõi sức khỏe, tự xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính.

Nếu xảy ra làn sóng bùng dịch Covid-19 lần thứ 5 thì liệu có tái diễn cảnh “ngăn sông – cấm chợ” như với lần bùng dịch trước đó?

Khủng hoảng nhân đạo y tế đang đe dọa

Trong phiên họp hôm 5-7-2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đưa ra nhận định trong thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở Việt Nam. Điều này có nghĩa số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.

Do vậy, theo Ban Chỉ đạo, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng chống dịch.

Nan đề ở đây là theo một báo cáo của Sở Y tế Hà Nội thì nhân lực y tế dự phòng còn quá ít. Tại nhiều trung tâm y tế dự phòng có tới 50% người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải bố trí làm việc. Nhiều bất cập về nhân lực như định biên mỗi trạm y tế tối đa có 10 người, trong khi đó Hà Nội có phường rất đông, dân số có thể bằng 1 huyện của tỉnh khác.

Ngoài ra, việc tuyển dụng y tế cơ sở khó khăn; chính sách đãi ngộ thấp, hầu như chỉ có lương cơ bản. Trong 2 năm chống dịch không có khoản nào thu nhập tăng thêm, trung bình cán bộ y tế dự phòng lương 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2021, ngành y tế Hà Nội có 407 người xin nghỉ việc, trong đó có 153 bác sĩ; trong năm 2022, riêng khối bệnh viện nghỉ 241 người, trong đó 104 bác sĩ, chưa tính các khối y tế cơ sở. Người xin nghỉ việc tập trung ở một số bệnh viện lớn như Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông…, chủ yếu là đội ngũ có bằng đại học, có tay nghề cao, dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập.

Với thực trạng như trên cho thấy nếu lại “giãn cách” thì khủng hoảng nhân đạo y tế là điều khó tránh khỏi.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sân bay Long Thành sẽ trễ hẹn?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Kịch bản chống dịch Covid thế nào khi biến thể phụ BA.5 đã xâm nhập Việt Nam?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu gì khi quân đội ‘vào cuộc’ ở Sài Gòn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo