Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ nhận 12 máy bay cường kích của Mỹ

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Một số phiên bản xuất khẩu có các điểm gắn vũ khí trên cánh giúp T-6 giữ vai trò như cường kích hạng nhẹ. Hiện có trên một chục nước đang sử dụng máy bay T-6, trong đó phần lớn là phiên bản T-6A.

 

Chuẩn tướng không quân Mỹ Sarah Russ trong cuộc họp báo sáng 9-12 tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, cho biết, “Mỹ rất vui khi Việt Nam đã chọn chúng tôi là một trong các đối tác để hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho không quân Việt Nam”.

“Những máy bay T6 dự kiến sẽ được giao trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027. Ba chiếc đầu tiên sẽ được giao trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc nữa sẽ được giao vào cuối năm đó. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027”, tướng Russ cho biết.

Dòng máy bay T-6 có nhiều phiên bản, trong đó T-6A Texan II được dùng cho mục đích huấn luyện. Một số phiên bản xuất khẩu có các điểm gắn vũ khí trên cánh giúp T-6 giữ vai trò như cường kích hạng nhẹ. Hiện có trên một chục nước đang sử dụng máy bay T-6, trong đó phần lớn là phiên bản T-6A.

Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31-5-2019, đồng đội của ông là trung uý Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.

Thông tin cũng cho biết thượng úy Đặng Đức Toại phục vụ trong Lữ đoàn không quân 918 căn cứ không quân Columbus, lái máy bay vận tải CASA C-295, hãng Airbus chế tạo.

T-6 Texan II là dòng máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi do tập đoàn Raytheon của Mỹ chế tạo dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Nó được phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.

Có nhiều phiên bản T-6 được xuất xưởng, trong đó chủ lực là dòng T-6A để huấn luyện phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ cùng các đồng minh, đối tác.

Máy bay được trang bị một động cơ tua-bin phản lực cánh quạt PT6A-68 với công suất 1.100 mã lực. Mỗi chiếc T-6A có thể đạt tốc độ tối đa 500 km/h, tầm bay 1.670 km và trần bay 9,4 km.

Tháng 6-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ có thông báo hợp đồng bán 6 máy bay ScanEagle trị giá 9,7 triệu USD cho Việt Nam sẽ được công ty con của Boeing thực hiện. Boeing ScanEagle là UAV trinh sát hạng nhẹ, có khả năng hoạt động liên tục hơn 24 giờ. Mỗi chiếc dài 1,7 m, sải cánh 3,1 m và có khối lượng rỗng 18 kg.

ScanEagle được trang bị máy quay ngày/đêm với độ phân giải cao cùng cảm biến ảnh nhiệt để tăng khả năng theo dõi trong điều kiện thời tiết phức tạp. Máy bay có tốc độ tối đa 148 km/h và trần bay 5,9 km.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper từ chối bàn về các chi tiết cụ thể về đàm phán hoặc thỏa thuận mua bán trang thiết bị quân sự giữa Hà Nội với Washington, nhưng cho biết hiện có nhiều mối quan tâm tới năng lực hàng hải.

“Tôi không thể nói cụ thể, nhưng chắc chắn chính phủ Việt Nam cũng có quan tâm tới một số hệ thống và thiết bị của chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn rất vui lòng thảo luận về việc này” – ông Marc Knapper cho hay như vậy, và ngài Đại sứ cũng nhắc lại chính sách của Mỹ, là đảm bảo một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng, có khả năng bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Từ toà án đến tranh cử của cựu TT Donald Trump

Do Van Tien

VNTB – Tìm đâu tiếng chuông chùa ngày xuân cũ…

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam sẽ ‘tham khảo’ Thái Lan trong lựa chọn vắc xin?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo