Việt Nam Thời Báo

VNTB -Việt Nam sẽ tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)

Hàn Lam

 

(VNTB) – Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng IPEF với định hướng đúng đắn sẽ thúc đẩy một môi trường kinh tế tích cực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như góp phần đảm bảo an ninh và hòa bình cho khu vực và trên toàn cầu.

 

Cây tre sẽ nghiêng về đâu?

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam từ ngày 14 tới 16-4. Đây là một phần trong chuyến công tác của ông Blinken tới Anh, Ireland, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 11 tới 18-4. Được biết, ông Blinken sẽ tới Việt Nam trong ngày 14-4, trước khi có các hoạt động chính thức tại Hà Nội một ngày sau đó.

Sau khi tới Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ sẽ tới thị trấn Karuizawa (tỉnh Nagano, Nhật Bản) để dự Hội nghị ngoại trưởng các nền kinh tế lớn G7. Theo thông cáo của Mỹ, các ngoại trưởng G7 sẽ thảo luận về phương hướng cho một loạt vấn đề toàn cầu, bao gồm: tình hình Ukraine, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, cũng như “thúc đẩy tầm nhìn tích cực về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Một số ý kiến cho rằng chuyến đi Việt Nam của ông Blinken lần này cũng nằm trong kế hoạch tổng thể của Mỹ về việc tiếp tục thúc đẩy các chương trình liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác an ninh, thương mại, cũng như các thảo luận về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).

IPEF chủ yếu tập trung vào bốn trụ cột chính:

Kinh tế công bằng (Fair economy): Các nước thành viên tìm cách xây dựng các cam kết thương mại công bằng về chính sách thuế hiệu quả và thúc đẩy các cơ chế chống hối lộ cũng như chống rửa tiền;

Kinh tế kết nối (Connected economy): Các nước thành viên tìm cách thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn cao về kỹ thuật số, bảo mật luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng và an toàn trí tuệ nhân tạo. Các tiêu chuẩn về lao động và môi trường cũng sẽ được thiết lập vì lợi ích của người lao động;

Kinh tế phục hồi (Resilient economy): Các nước thành viên tìm kiếm các cam kết đầu tiên về chuỗi cung ứng và logistics có khả năng phục hồi trước bất kỳ sự gián đoạn và cú sốc cung nào để bảo vệ các nền kinh tế khỏi lạm phát; và

Kinh tế xanh (Clean economy): Các nước thành viên tìm kiếm các cam kết phát triển công nghệ xanh để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia được khuyến khích chia sẻ công nghệ nhằm mục đích khử cacbon và cung cấp cơ sở hạ tầng cho mức sống cao hơn.

Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc tham gia IPEF có thể là bước đệm để Việt Nam trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực. Là một trong bốn trụ cột của IPEF, năng lượng xanh là một ngành được đánh giá là có tiềm năng đáng kể tại Việt Nam. Nhờ các đặc điểm thuận lợi về mặt địa lý, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành điểm đến đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và điện gió.

IPEF cũng dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ lên một tầm cao mới dựa trên mối quan hệ tích cực và xuất khẩu ngày càng tăng trong lịch sử tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ.

Những sự kiện có thể xâu chuỗi cho đoán định

Trong thông báo trước chuyến công du châu Á, phía Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Việt Nam để trao đổi tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và có sức chống chịu mạnh mẽ.

Bàn về vấn đề này, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, nhận xét Mỹ và Việt Nam “gần như hoàn toàn song hành về một kiểu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà chúng tôi muốn thấy”. Theo ông Kritenbrink, các điểm chung như mong muốn xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế là nền tảng trong mối quan hệ mới mà Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng.

Dường như phía Bắc Kinh cũng rất quan tâm đến chuyến công du Á châu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Trung Quốc hôm 9-4-2023 trích lời một chuyên gia rằng “Mỹ đang tìm cách nâng cấp mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm đối tác chiến lược nhưng Việt Nam dường như còn có những mối lo ngại”.

Theo bài xã luận của tờ báo này, chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Blinken tới Hà Nội “có thể dẫn đến kết quả trong một số lĩnh vực, như an ninh hàng hải hay một số cải thiện trong hợp tác kinh tế, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược chung của Việt Nam, bởi giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tồn tại một số mâu thuẫn cố hữu và mang tính cơ cấu”…

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Hứa Lợi Bình, nói với Hoàn cầu Thời báo rằng những mâu thuẫn này gồm vấn đề ý thức hệ và lịch sử, ám chỉ đến việc Việt Nam chọn theo chủ nghĩa xã hội, và cuộc chiến trong quá khứ của Mỹ ở Việt Nam.

Liên quan chuỗi sự kiện chính trị trên, mới đây trong cuộc họp về hợp tác an ninh song phương diễn ra hôm 10-4-2023 tại New Delhi, Việt Nam và Ấn Độ đã làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tờ The Economic Times dẫn lời các quan chức nói.

Trong các cuộc gặp tiếp theo với Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nityananda Rai, Bộ trưởng Tô Lâm đến từ Việt Nam đã kêu gọi tăng cường hợp tác để đối phó với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực, và đề nghị tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa người dân hai nước.

Bình luận chính trị về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn và là đối tác chính trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được đưa ra từ sáng kiến An ninh và Phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương (SAGAR) của Thủ tướng Modi.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thị trường chứng khoán mất điểm dù nới ‘room’

Do Van Tien

VNTB – ‘Tháo chạy’ đầu năm Mẹo

Do Van Tien

VNTB – Những điều ‘chưa hợp lý’ của bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo